Libya kêu gọi đối thoại

Libya kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng

Thủ tướng Libya Baghdadi Ali Mahmudi ngày 18/8 đã kêu gọi tiến hành đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.
Thủ tướng Libya Baghdadi Ali Mahmudi ngày 18/8 đã kêu gọi tiến hành đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này, cho rằng các giải pháp hòa bình là sự lựa chọn cần thiết.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Mahmudi nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng tại Libya không thể giải quyết được bằng các biện pháp quân sự mà chỉ có thể thông qua đối thoại và tham vấn."

Ông Mahmudi yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) ngừng ném bom ngay lập tức để tạo môi trường đối thoại, đồng thời bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế hợp tác để tìm ra giải pháp thích hợp. Ông Mahmudi cũng cho biết nhiều cuộc tiếp xúc đang được tiến hành nhằm thúc đẩy đối thoại tìm một giải pháp hòa bình.

Cùng ngày, Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos, người vừa nhậm chức Chủ tịch luân phiên Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), đã yêu cầu NATO ngừng các hành động can thiệp quân sự vào Libya.

Phát biểu tại lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 31 của SADC tổ chức tại thủ đô Luanda của Angola, ông Jose Eduardo dos Santos kêu gọi các bên liên quan tiến hành đàm phán vô điều kiện để tìm kiếm một giải pháp chính trị, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên liên quan chấp thuận lộ trình hòa bình mà Liên minh châu Phi (AU) đề xuất.

Trong hai ngày qua, các máy bay của NATO đã nhiều lần ném bom các vị trí tại thủ đô Tripoli của Libya. Sáng sớm 19/8, Tripoli rung chuyển trong đợt ném bom nhằm vào khu vực gần dinh thự chính của nhà lãnh đạo Libya Moamer Kadafi ở Bab al-Aziziya và con đường chính dẫn ra sân bay quốc tế. Ngày 18/8, NATO cũng đã 5 lần không kích vào Tripoli.

Trong khi đó, lực lượng đối lập tuyên bố đang chiếm ưu thế tại các mặt trận và dần áp sát thủ đô Tripoli. Sau 3 ngày giao tranh và chịu thiệt hại nặng nề với thương vong gần 130 người, lực lượng đối lập ngày 18/8 tuyên bố đã chiếm được phần lớn thành phố chiến lược Zawiya chỉ cách thủ đô Tripoli 50km về phía Tây, trong đó có khu vực đặt cơ sở hóa dầu duy nhất cung cấp nhiên liệu cho thủ đô.

Lực lượng đối lập cũng cho biết đang dần áp sát thủ đô từ phía Tây và phía Nam sau khi đã giành quyền kiểm soát các thành phố Surman, Sabratha, Zwara cũng như con đường huyết mạch nối thủ đô Tripoli tới biên giới với Tunisia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục