Lập thí điểm 5 văn phòng thừa phát lại đầu tiên

Các văn phòng thừa phát lại hoạt động với việc tống đạt giấy tờ, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án.
Ngày 21/5, Sở Tư Pháp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao quyết định thành lập và giấy đăng ký hoạt động cho 5 văn phòng thừa phát lại đầu tiên của cả nước, được thực hiện thí điểm tại thành phố trong vòng 3 năm (2009-2012).

Các văn phòng thừa phát lại được thành lập ở quận 1 (địa chỉ số 104 Điện Biên Phủ), quận 5 (số 40 Huỳnh Mẫn Đạt), quận 8 (số 809B-811 Tạ Quang Bửu), quận Bình Thạnh (số 19R Nguyễn Hữu Cảnh) và quận Tân Bình (số 717 Cách mạng Tháng Tám).

Thừa phát lại có từ thời Pháp thuộc, chỉ một chức vụ trong bộ máy hành chính Nhà nước, là người được Bộ Tư Pháp bổ nhiệm theo tiêu chuẩn tương đương với một chấp hành viên, hoạt động dưới hình thức văn phòng thừa phát lại với các công việc tống đạt giấy tờ, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án.

Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.Thừa phát lại hành nghề thông qua loại hình văn phòng, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, là loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đức Chính, mô hình tổ chức thừa phát lại được khởi xướng từ lâu nhưng hiện nay mới đi vào cuộc sống, là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về xã hội hoá công tác cải cách tư pháp, trong đó có thi hành án dân sự.

Thừa phát lại có nội dung rộng hơn hoạt động công chứng, có giá trị pháp lý cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Phạm vi hoạt động cũng rộng hơn cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước. Đây là chế định pháp lý mới, vừa trợ giúp Nhà nước về ngân sách, nhân lực vừa trợ giúp, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người dân.

Hiện tại, Bộ Tư Pháp đã ra quyết định bổ nhiệm 21 người đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm thừa phát lại cho Thành phố Hồ Chí Minh./.

Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục