Hy Lạp bán nhiều tài sản quốc gia để giảm nợ công

Hy Lạp sẽ bán ngay lập tức một số tài sản quốc gia sinh lợi như OTE, các cảng Piraeus và Thessalonik,  Công ty điện lực PPC...
Ngày 23/5, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou công bố đường hướng thực hiện chương trình tư nhân hóa, nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Athens giảm nhẹ gánh nặng nợ công đã quá tải và tránh để xảy ra cuộc khủng hoảng thứ hai trong Khu vực đồng euro, khủng hoảng cơ cấu lại nợ.

Trong thông báo sau cuộc họp nội các, ông Papandreou nói rõ với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ và sự hy sinh của người dân, Hy Lạp năm ngoái đã thoát khỏi bờ vực vỡ nợ công. Giờ đây, chính phủ sẽ thực hiện một số biện pháp cần thiết để loại bỏ dứt điểm nguy cơ này và thay đổi tình hình kinh tế đất nước.

Trong giai đoạn đầu của chương trình tư nhân hóa, Hy Lạp sẽ bán ngay lập tức một số tài sản quốc gia sinh lợi như OTE - tập đoàn viễn thông lớn nhất vùng Balkan; các cảng Piraeus và Thessaloniki - hai trung tâm vận chuyển nhộn nhịp nhất ở Địa Trung hải xét trên góc độ du lịch và thương mại; Công ty điện lực PPC; ngân hàng Hellenic Postbank - một trong những thể chế cho vay có khả năng huy động vốn hiệu quả nhất của Hy Lạp.

Hy Lạp cũng sẽ bán Công ty cung ứng nước sạch Thessaloniki; Công ty cung ứng khí đốt DEPA; Công ty dịch vụ tàu hỏa Trainose; Công ty vận hành đường đua ODIE; một sòng bạc gần thủ đô Athens và nhà thầu vũ khí EAS.

Nhà nước sẽ vẫn giữ 16% cổ phần trong OTE. Đối với PPC, Nhà nước sẽ giảm 17% trong cổ phần 51% của mình ở công ty này.

Trong giai đoạn 2012-2013, Hy Lạp sẽ bán công ty kinh doanh trò chơi OPAP; một số cảng, sân bay và đường quốc lộ khu vực; và giảm tới 21% cổ phần của Nhà nước đối với sân bay Athens.

Chương trình tư nhân hóa sẽ được thực hiện trong ba năm nhằm thu về 50 tỷ euro (xấp xỉ 70 tỷ USD). Bộ Tài chính Hy Lạp sẽ tiếp tục hoàn tất danh sách các công ty được tư nhân hóa, trong khi Thủ tướng Papandreou đang tìm kiếm sự ủng hộ của các chính khách khác đối với kế hoạch này.

Bên cạnh chương trình tư nhân hóa, Athens sẽ áp thuế đặc biệt đối với một số mặt hàng như khí đốt, đồ uống có cồn, hóa đơn thành toán tiền điện và người có thu nhập cao.

Theo các nhà quan sát, quyết định trên của Thủ tướng Papandreou cho thấy Hy Lạp đang phải chịu sức ép từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường tài chính.

Một số lãnh đạo EU trong những tháng qua phản đối ý tưởng cho phép Hy Lạp cơ cấu lại nợ công, với lý do nước này còn nhiều tài sản quốc gia để bán. Athens cũng đang phải tìm cách thuyết phục nhóm "bộ ba" tham gia cứu trợ Hy Lạp - gồm EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), duy trì nguồn cứu trợ cho Hy Lạp.

Đoàn kiểm toán của nhóm đang có mặt ở Hy Lạp để kiểm tra các hoạt động tài chính của nước này trước khi quyết định có giải ngân 12 tỷ euro tiếp theo trong gói cứu trợ EU/IMF trị giá 110 tỷ euro dành cho Athens hồi năm ngoái hay không. Ông Papandreou thừa nhận Hy Lạp sẽ vỡ nợ nếu không nhận được số tiền này từ EU và IMF.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã "bật đèn xanh" cho phép Hy Lạp cơ cấu lại nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp (ATE) của nước này sau khi các nước EU mở đường cho cái gọi là cơ cấu "có giới hạn" khoản nợ công hiện đã lên tới hơn 330 tỷ euro của Hy Lạp, với điều kiện các ngân hàng cũng nhất trí gia hạn thời gian thanh toán nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục