Giáo đường trong đá

Thành phố Lalibela với những giáo đường trong đá

Thành phố Lalibela có những giáo đường được xây dựng từ tảng đá nguyên khối, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Lalibela là một trong những thành phố của tộc người Amhara, hay còn gọi là Kilil, nằm ở độ cao 2.500m so với mực nước biển.

Thành phố có những giáo đường được xây dựng từ tảng đá nguyên khối trong thời kỳ trị vì của Thánh Lalibela (một thành viên của hoàng tộc Zagwe), người nắm quyền cai trị toàn lãnh thổ Ethiopia trong thế kỷ 13.

Lalibela được coi là nơi hành hương của của các thành viên thuộc giáo hội chính thống Tewahedo của Ethiopia, và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1978.

Các giáo đường này được dựng hoàn toàn trong nham thạch của thế núi. Đầu tiên người ta đào rãnh rất sâu xung quanh nham thạch cỡ lớn ở sườn núi, tách rời nó ra khỏi thế núi. Sau đó, từ trên xuống dưới, người ta đào từng mét đá trong nham thạch, tạo thành giáo đường nham thạch với nóc tròn, cửa sổ, hành lang, cửa phòng lớn...

Công việc chạm khắc bắt đầu từ đỉnh (vòm, mái, trần, vòm cửa và các cửa sổ phía trên) và cứ thế tiếp tục dẫn xuống phía nền. Để cho nước của những trận mưa lũ mùa hè của vùng này thoát nhanh, nền của các khoảng này được làm hơi dốc.

Những giáo đường đơn khối nằm ở giữa các hang sâu từ 7 đến 12m đều được chạm khắc trực tiếp vào các khối đá. Toàn bộ bên trong ngôi đền đều bị khoét rỗng, trừ cột đá chống đỡ vùng nóc và cổng vòm. Các giáo đường được nối liền với nhau bởi đường thông nham thạch giống như mê cung chằng chịt.

Những nét nhô ra của công trình kiến trúc như mái, máng nước, bộ diềm, mí cửa và các ngưỡng cửa sổ, vươn ra dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào hướng chủ yếu của các trận mưa.

Trong thành phố có 11 giáo đường cổ kính và chia thành 3 nhóm. Nhóm cực Bắc là giáo đường Bete Medhane Alem bằng đá, lớn nhất thế giới hiện nay, có lẽ là bản sao từ nhà thờ Thánh Ary ở Aksum, một vùng khác ở Ethiopiaa. Nhóm cực Tây là nhà thờ Bete Giyorgis được bảo tồn hầu như nguyên vẹn nhất. Nhóm cực Đông bao gồm 4 nhà thờ dành riêng cho Hoàng gia, trong đó giáo đường Bete Gabriel-Rufael là nơi sản xuất bánh thánh (từ bột mì) cổ nhất thế giới.

Một số giáo đường nổi bật:


- Bete Medhane Alem (nhà của Chúa cứu thế): Giáo đường dài 33m, rộng 23m và cao 11m. Bộ diềm mái chạm khắc được đỡ bởi 34 chiếc cột vuông. Đây là giáo đừong duy nhất ở Ethiopie có năm gian dọc, như kiểu ngôi giáo đường cũ Aksum.

- Bete Maryam (nhà của Thánh Mary): Có diện tích nhỏ hơn so với Medhane Alem và cao 9m, có ba gian dọc, mà đặc thù của những gian này là được phủ kín từ trên xuống dưới bằng những hình vẽ thể hiện các môtíp hình học và bằng những bức bích hoạ. Phía trên cửa chính là bức phù điêu mô tả hai kỵ sĩ giết rồng, một tác phẩm điêu khắc sống động hiếm hoi ở các nhà thờ Ethiopiaa.

- Bete Giyorgis (nhà của thánh Georges): Có hình dáng như một hình chữ thập Hy Lạp được xây trong một khối nham thạch cỡ lớn. Bete Giyorgis tọa lạc trong hầm nham thạch rất sâu, đường thông dưới đất nối liền với cửa vào, trở thành bia kỷ niệm sự nghiệp anh hùng và nghị lực phi thường của những người xây dựng giáo đường. Đây là giáo đường nổi tiếng nhất, đã tồn tại gần 8 thế kỷ.

- Quddus Mikael (thánh Michael), Bete Selassia (nhà của chúa Ba Ngôi) và Bete Golgotha (tòa nhà thờ Chúa chịu nạn) tạo thành một quần thể nhà thờ. Trong đó nét đáng chú ý nhất của Bete Golgotha là một dãy bày vị thầy tu được tạc to như người thật lên những bức tường của hai gian nhà dọc; ở đó còn có hình Chúa nằm trong quan tài ở một ô khám.

- Bete Merkoreouos và Bete Gabriel Raphael (nhà của thần Mercure và nhà của các thượng đẳng thần Gabriel và Raphael): là những căn phòng dưới đất, vốn chuyên dùng cho các mục đích phi tôn giáo, nhưng về sau đã được Thánh hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục