Liên kết phát triển bảy tỉnh duyên hải miền Trung

Đại diện nhiều bộ, viện nghiên cứu và 7 địa phương liên quan đã cùng tham gia một hội thảo tại Đà Nẵng để bàn về liên kết phát triển vùng.
Hội thảo khoa học "Liên kết phát triển 7 tỉnh Duyên hải miền Trung" tổ chức ngày 15/7, tại Đà Nẵng đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, viện nghiên cứu và đại diện 7 địa phương trong vùng là Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương mạnh dạn suy nghĩ và sớm có chương trình hành động cụ thể trên cơ sở thế mạnh sẵn có của từng địa phương, cần phải có sự lựa chọn theo thứ tự ưu tiên cho những lĩnh vực cần sớm phát triển. Mọi sự liên kết đều phải xuất phát từ sự lợi ích của địa phương, lấy hiệu quả kinh tế-xã hội làm mục tiêu với lộ trình cụ thể.

Bộ trưởng cho rằng các địa phương cần lưu ý đến đặc thù của vùng là kinh tế biển gắn với một nền văn hóa đa dạng, phong phú cả vật thể và phi vật thể, vì vậy, trong liên kết cần phải nghiên cứu phát triển kinh tế biển, hợp tác toàn diện nhất là đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản, đặc biệt về du lịch biển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, hành lang Kinh tế Đông Tây không chỉ là hành lang xóa đói giảm nghèo mà là một hành lang đa văn hóa, phong phú các loại dịch vụ. Các địa phương cần nghiên cứu và tận dụng, thúc đẩy sự phát triển của Hành lang này như thế nào, đồng thời cần phải tận dụng những điều kiện phát của Tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là Cao nguyên PoLoVen. Trong liên kết, các địa phương cần chú trọng về phát triển nguồn nhân lực, đây chính là yếu tố quan trọng, then chốt trong sự liên kết phát triển...

Hội thảo xác định nội dung liên kết vùng trên cơ sở liên kết bình đẳng, các bên cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để cùng phát triển. Liên kết trên tinh thần tự nguyện của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, có bước đi thích hợp, theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và toàn vùng.

Nội dung liên kết được xây dựng thành những dự án, chương trình cụ thể và có mục tiêu rõ ràng, thời gian triển khai, kinh phí, đơn vị và đối tác thực hiện.

Mục tiêu liên kết nhằm khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Qua liên kết sẽ phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản), góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư.

Trong những năm trước mắt, các địa phương ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phát triển du lịch; phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư...nhằm tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Các tỉnh phát triển mạnh ngành khai thác và chế biến thủy sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các đại biểu dự hội thảo đã tập trung thảo luận và thống nhất các nội dung thực hiện liên kết của 7 tỉnh Duyên hải miền Trung; phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Các địa phương xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất.

Các tỉnh liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung của vùng. 7 tỉnh Duyên hải miền Trung phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế-xã hội, đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, "Quỹ nghiên cứu phát triển Vùng" chính thức ra mắt nhằm phục vụ kinh phí hoạt động của Tổ Điều phối, công tác nghiên cứu của Nhóm Tư vấn và hoạt động chung của vùng.

Dự kiến vốn điều lệ ban đầu của Quỹ khoảng 20-25 tỷ đồng, được hình thành từ nguồn đóng góp của các địa phương trong vùng, sự tài trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước./.

Văn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục