Đoàn tư vấn các nhà tài trợ làm việc tại Quảng Trị

Đoàn tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị và khảo sát thực tế tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Ngày 7/6, đoàn tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị và khảo sát thực tế tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC).

Đoàn gồm 27 thành viên là đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước cung cấp ODA cho Việt Nam, do ông Ayuni Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam làm trưởng đoàn.

Mục đích của chuyến thăm và làm việc là tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế hiện tại, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế trong vòng 5-10 năm tới của tỉnh Quảng Trị; các thách thức đối với sự phát triển của tỉnh và kế hoạch, định hướng phát triển EWEC.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã cảm ơn ADB và các tổ chức quốc tế về những tài trợ ODA cho Quảng Trị trong thời gian qua, trong đó, tổng vốn viện trợ của ADB chiếm gần 52%.

Từ năm 1997-2009, ADB đã tài trợ cho Quảng Trị 19 dự án với tổng vốn ODA 114,3 triệu USD.

Trong năm 2010, ADB tài cho Quảng Trị 7 dự án đang được triển khai với tổng vốn đầu tư 939 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Thăng cũng trình bày với đoàn về các kết quả của tỉnh Quảng Trị đã đạt được trong việc phát triển EWEC và những vướng mắc cần tháo gỡ.

Kể từ khi Dự án hợp tác EWEC được thông qua cho đến nay, đặc biệt, sau sự kiện thông xe cầu Hữu Nghị II, tháng 12/2006, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được Chính phủ các nước, các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là ADB và Chính phủ Nhật Bản triển khai để thực hiện hóa những ý tưởng và mục tiêu tốt đẹp của dự án. Tuy nhiên, sự chuyển biến của EWEC hiện chưa được như mong muốn.

Do vậy, ngày 25/11 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để giải quyết những vướng mắc về quá trình hợp tác EWEC.

Ông Thăng hy vọng trong thời gian tới, những bất cập trên EWEC sẽ được tháo gỡ tích cực hơn.

"Để đẩy mạnh hợp tác kinh tế trên EWEC, cần có sự tham gia tích cực của các nước trên EWEC," ông Thăng nói.

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, ông Anuson Chinvanno cho rằng, EWEC có vai trò quan trọng đối với Thái Lan. Hiện nay phía Đông của EWEC đã tương đối hoàn thiện, trong khi đó phía Tây còn chưa hoàn tất bởi đường vào cảng của Myanmar chưa kết nối được. Phía Thái Lan sẽ tiếp tục phối hợp với các nước liên quan để thúc đẩy sự phát triển của EWEC.

Ông Ayuni Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng Quảng Trị đã xem EWEC là động lực phát triển của địa phương. Từ khi EWEC được thông qua, Quảng Trị là một trong những tỉnh thành phố tích cực nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của EWEC. Tuy nhiên EWEC chưa phát triển như mọng đợi mà hiện tại mới chỉ như một tuyến giao thông. Thách thức hiện nay là phải làm thế nào biến hành lang giao thông này trở thành hành lang kinh tế, kết nối với các hoạt động khác.

Sau buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị, chiều 7/6, đoàn tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam thăm một số dự án do ADB tài trợ, thăm một số khu vực tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và làm việc với Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavan, các ngành liên quan của hai tỉnh Quảng Trị và Sanvankakhet (Lào)./.

Dương Vương Lợi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục