Năm trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng ở 2 tỉnh

Bệnh tay chân miệng bùng phát tại tỉnh Quảng Ngãi và Đồng Nai khi chỉ trong vòng hai tuần qua đã có năm trẻ tử vong tại hai tỉnh này.
Sáng 31/5, bác sỹ Nguyễn Tấn Phụ - Trưởng Khoa nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi) cho biết trong hai tuần qua tại Quảng Ngãi đã có hai trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 200 trẻ nhiễm bệnh. Tính từ giữa tháng Năm tới nay trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 20 trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng bắt đầu bùng phát tại Quảng Ngãi từ đầu tháng Năm, tập trung ở các trẻ trong độ tuổi mầm non, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Thời tiết nắng nóng bất thường và những nơi tập trung đông người là cơ hội để bệnh lây lan nhanh.

Trong vòng hai tuần, tại tỉnh Quảng Ngãi bệnh tay chân miệng đã bùng phát ở một số địa phương, số trẻ nhiễm bệnh tăng đột biến dẫn đến việc thiếu giường bệnh, gây khó khăn trong quá trình theo dõi bệnh. Những trường hợp bệnh nặng buộc phải chuyển viện ra Đà Nẵng.

Cũng liên quan đến bệnh tay chân miệng, bác sỹ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong ba ngày từ 28-30/5, tại bệnh viện này đã có ba cháu tử vong vì bệnh tay chân miệng. Những năm trước, tháng Năm là thời điểm bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp nhất.

Năm nay, trong tháng Năm bình quân 1 ngày bệnh viện này tiếp nhận 30-40 ca (riêng ngày 31/05 có 98 ca bệnh, trong những tháng trước trung bình một ngày chỉ từ 10-20 ca). Như vậy, từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã có bốn cháu (dưới 3 tuổi) tử vong do bệnh tay chân miệng (một ca trong tháng Ba).

Bệnh tay chân miệng thường hay gặp ở các cháu có từ 1 đến 3 tuổi. Dù đã hết tháng 5, song không phải vì thế mà bệnh này sẽ giảm.

Bác sỹ Phụ khuyến cáo, để phát hiện và điều trị kịp thời, khi thấy trẻ có những dấu hiệu như sốt, đau họng, biếng ăn, nôn, tiêu chảy, có những nốt đỏ (những bóng nước) ở tay, chân, miệng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Các bậc phụ huynh cần nhận biết được dấu hiệu của bệnh, cảnh giác với những biểu hiện không điển hình của bệnh. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ điều trị khoảng 6-7 ngày là phục hồi hoàn toàn, nhưng nếu bệnh diễn biến xấu có thể gây các biến chứng nguy hiểm.

Các biến chứng thường gặp là viêm màng não, viêm cơ tim, liệt mềm cấp, phù phổi cấp do thần kinh. Các biến chứng có thể phối hợp với nhau trên cùng một bệnh nhân thường gây tử vong cao và diễn biến rất nhanh có thể trong vòng 24 giờ.

Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có văcxin phòng ngừa nên cách phòng bệnh tốt nhất là các bậc phụ huynh và thầy cô giáo phải bảo đảm vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân cho trẻ thật tốt, cho trẻ ăn uống đủ chất, uống nhiều nước. Nếu trẻ mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ học và không cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác, để tránh bệnh lây lan.

Những nơi có bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng của các địa phương cần tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực xung quanh nơi gia đình cháu sinh sống và trường lớp cháu từng theo học./.

Đinh Thị Hương-Công Phong (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục