BRICS: Nhìn về tương lai và chia sẻ thịnh vượng

Với chủ đề "Nhìn về tương lai, chia sẻ thịnh vượng," hội nghị thượng đỉnh BRICS tập trung vào những vấn đề kinh tế quan trọng hiện nay.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 5 nền kinh tế đang nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã khai mạc sáng 14/3 tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).

Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo 5 quốc gia, gồm Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff, Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev, Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh và Tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma, cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRICS, với chủ đề "Nhìn về tương lai, chia sẻ thịnh vượng," chủ yếu tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, kiềm chế sự biến động về giá hàng hóa, tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Đây là hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ ba và là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc, sau hội nghị tại Nga năm 2009 và tại Braxin năm 2010. Hội nghị lần này đánh dấu bước ngoặt lớn đối với quy mô của BRICS khi nhóm đã có thêm thành viên thứ năm là Nam Phi.

Diễn ra ngay trước thời điểm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G20) tại Washington (Mỹ), hội nghị BRICS được coi là "bài kiểm tra" đối với các thành viên của nhóm về khả năng thu hẹp khoảng cách để cùng tiến tới những mục tiêu chung.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS cam kết ủng hộ cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế trên cơ sở thiết lập một hệ thống dự trữ quốc tế ổn định và đáng tin cậy. Tuyên bố nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã phơi bày những bất cập và thiếu sót của hệ thống tài chính-tiền tệ hiện nay. Cơ chế quản lý của các thể chế tài chính quốc tế cần phản ánh những thay đổi của kinh tế thế giới và gia tăng sự hiện diện cho các nền kinh tế đang phát triển. Trên cơ sở đó, BRICS hoan nghênh thảo luận về vai trò của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trong hệ thống tiền tệ hiện nay, đồng thời tăng cường hợp tác chính sách và giám sát tài chính quốc tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của các thị trường toàn cầu và hệ thống ngân hàng."

BRICS cũng bày tỏ sự lo ngại về "vận mệnh" của đồng USD, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang chìm trong thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại. Các ngân hàng phát triển của 5 nước thành viên BRICS đã nhất trí trên nguyên tắc thiết lập dòng tín dụng đa phương sử dụng đồng nội tệ của các nước thành viên mà không sử dụng đồng USD.

Đối với tình hình lạm phát, BRICS đặc biệt lưu ý về những biến động của giá hàng hóa hiện nay, đặc biệt là giá lương thực và năng lượng. Để giải quyết bài toán giá hàng hóa leo thang, BRICS cam kết tăng cường hợp tác quốc tế để duy trì sự ổn định nguồn cung trên các thị trường hàng hóa, đồng thời điều tiết thị trường tài chính chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, thế giới cần nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất, tăng cường đối thoại giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng để cân bằng "cán cân cung cầu," đồng thời hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trên phương diện vốn và công nghệ.

Về triển vọng kinh tế thế giới, BRICS cùng chung quan điểm rằng tiến trình phục hồi toàn cầu vẫn đối mặt với một số thách thức nhất định như bất ổn tại Trung Đông và Bắc phi và thảm họa động đất-sóng thần tại Nhật Bản vừa qua. Do đó, các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới cần hợp tác chặt chẽ trong các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tạo đà cho sự phục hồi cân bằng, bền vững và ổn định.

BRICS nhấn mạnh, các quốc gia đang phát triển cần cẩn trọng trước những rủi ro tiềm ẩn của "dòng vốn nóng," trong bối cảnh các nhà đầu tư đang đổ xô tới châu Á để tìm kiếm lãi suất và lợi nhuận cao hơn.

Trước đó, ngày 13/4, Hội nghị cấp bộ trưởng nhóm BRICS đã diễn ra tại thành phố Tam Á để thảo luận các vấn đề kinh tế và tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi quan điểm về tình hình kinh tế thế giới và chính sách kinh tế vĩ mô của từng nước kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về phương thức tăng cường hợp tác kinh tế theo cơ chế của nhóm, đồng thời bàn thảo cách thức bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong các cơ chế hợp tác đa phương.

Theo các đại biểu, các nước thành viên BRICS cần tăng cường hợp tác kinh tế thông qua mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư, đồng thời cam kết phản đối mọi hình thức bảo hộ thương mại. Các quan chức BRICS cũng nhất trí thành lập cơ quan liên lạc có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất về khung cơ chế hoạt động, cũng như những biện pháp cụ thể nhằm mở rộng hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên và từng nước thành viên với các nền kinh tế đang phát triển khác. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tái khẳng định sự ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm nay.

BRICS hiện chiếm 42% dân số thế giới, 18% GDP toàn cầu và 15% tổng trao đổi thương mại của thế giới trong năm 2010. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức đóng góp của nhóm này trong tăng trưởng kinh tế thế giới tăng từ 13,1% năm 2000 lên hơn 60% năm 2010./.

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục