Ngành vận tải "rục rịch" tăng giá cước vận chuyển

Trước việc điện và xăng dầu nối đuôi nhau tăng giá, các doanh nghiệp vận tải đã họp khẩn cấp để quyết định việc tăng giá vé.
Trong khi các doanh nghiệp vận tải chưa hết “bàng hoàng” với việc điều chỉnh của tỷ giá và giá điện sẽ tăng vào ngày 1/3 tới, thì quyết định tăng giá xăng dầu vào 10 giờ sáng nay của Bộ Tài chính đã ảnh hưởng mạnh tới các doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải.

Để đối phó với tình trạng này, hôm nay (24/2), hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều họp khẩn cấp để xem xét việc tăng giá vé.

Giá cước vận tải có thể tăng 15-20%

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, giá xăng, dầu tăng chắc chắn sẽ kéo theo giá cước vận tải ôtô tăng. Theo tính toán của Hiệp hội, mức tăng giá xăng, dầu lần này khiến chi phí vận tải tăng khoảng 10% cộng với các chi phí tác động gián tiếp như lãi suất ngân hàng, giá điện,… có thể đẩy giá cước vận tải tăng khoảng 15%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ tính toán, điều chỉnh hợp lý để vừa không ảnh hưởng đến hoạt động vừa giữ khách hàng. Theo đại diện một số doanh nghiệp taxi ở Hà Nội, ngay trong ngày 24/2, đã ban hành quyết định hỗ trợ bù lỗ cho lái xe tiền xăng phụ trội và họp bàn xem xét tăng giá, dự kiến dao động từ 15-20%.

Giám đốc Công ty quản lý bến xe Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung cho biết thêm, trong ngày 24/2, chưa nhận được đề xuất tăng giá cước vận tải của các doanh nghiệp, nhưng việc tăng giá trong một vài ngày tới là điều khó tránh.

Tăng 5% giá vé tàu ngồi cứng


Chiều nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã hoàn chỉnh xong phương án điều chỉnh giá vé ngồi cứng tàu Thống nhất và ngày mai (25/4), Tổng công ty sẽ trình Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính về phương án giá vé này. Theo đó, mức giá cước mới đối với giá vé ngồi cứng tàu khách Thống nhất được điều chỉnh tăng lên 5% và dự kiến sẽ được áp dụng vào ngày 1/4 tới.

Lý giải cho việc điều chỉnh giá vé tàu này, một vị lãnh đạo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ ngày 1/1/2009 đến nay, giá cả thị trường liên tục biến động ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành vận tải, nhưng Đường sắt Việt Nam vẫn giữ nguyên không điều chỉnh giá vé ghế ngồi cứng tàu Thống nhất.

Theo đó, giá cước ghế ngồi cứng tàu Thống nhất loại thấp nhất vẫn là 243 đồng/1 HK.Km như mức giá đã đăng ký với Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính tại công văn số 740/ĐS-KDVT ngày 20/4/2009 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Tuy vậy, từ 10 giờ sáng nay, giá dầu Diesel được điều chỉnh từ mức 14.750 đồng/1lít lên 18.300 đồng/1lít, tăng 24%. Đây là mức điều chỉnh tương đối cao ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành vận tải đường sắt.

Cụ thể, năm 2010, chi phí dầu diesel phục vụ chạy tàu và chạy máy phát điện trên toa xe khách của Đường sắt Việt Nam khoảng 850 tỷ đồng, chiếm 27% giá thành vận tải thì với mức tăng 24% giá dầu diesel, giá thành vận tải đường sắt sẽ tăng gần 7%.

Như vậy, từ nay đến hết năm 2011, nếu vẫn áp dụng giá dầu diesel ở mức 18.300 đồng/lít như hiện nay, chi phí vận tải của Đường sắt Việt Nam sẽ tăng thêm 170 tỷ đồng, chưa kể việc tăng các chi phí khác như tiền điện, tỷ giá ngoại tệ, lãi vay ngân hàng...

Đường sắt Việt Nam xây dựng mức giá cước mới đối với giá vé ngồi cứng tàu khách Thống nhất tăng thêm 5% là vẫn thấp hơn 2% so mức tăng giá thành vận tải do tăng giá dầu Diesel. Mức giá bán này vẫn chưa đủ bù đắp chi phí vận tải tăng. Để đối phó với việc tăng giá xăng dầu này, trước mắt, Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ chi phí để đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất./.

Uông Lam (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục