Doanh nghiệp - Trung tâm của đổi mới công nghệ

Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp trở thành đầu tàu và trung tâm đổi mới công nghệ.
Ngày 23/12 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Dự án đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP) phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp vào nội dung dự thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải chủ trì Hội thảo

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Tiến sỹ Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ giới thiệu nội dung Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó nhấn mạnh các nội dung liên quan đến doanh nghiệp, cả về quan điểm, mục tiêu và biện pháp thực hiện.

Dự thảo Chiến lược khẳng định quan điểm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ theo hướng: Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trở thành đầu tàu và trung tâm của đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư cho khoa học và công nghệ; huy động mạnh mẽ các nguồn đầu tư của doanh nghiệp và các nguồn đầu tư khác, kể cả đầu tư nước ngoài; đồng thời xác định đây là biện pháp chủ yếu để tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Dự thảo Chiến lược xác định rõ mục tiêu đưa doanh nghiệp khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất mới, tạo đươc đột phá về lực lượng sản xuất cho một nền kinh tế công nghiệp hóa về cơ bản vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, hoạt động khoa học và công nghệ thông qua yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10-15% vào năm 2015 và trên 20% vào năm 2020. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo ra lực lượng sản xuất mới bao gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2015 và khoảng 10.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020…

Song song với các biện pháp phát triển ngành khoa học và công nghệ từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; dự thảo Chiến lược xác định cần áp dụng các chính sách thú đẩy xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Ngoài ra, cần triển khai cơ chế chính sách tạo điều điện thuận lợi cho doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ; kiến nghị sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp để doanh nghiệp trích tối thiểu 10% thu nhập tính thuế hàng năm đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ.

Việc dành một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, triển khai nhanh chóng và đồng bộ hệ thống các quỹ khoa học và công nghệ bào gồm quỹ quốc gia, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, cũng là các biện pháp được dự thảo Chiến lược quan tâm nhấn mạnh.

Xã hội hóa hoạt động đầu tư

Các đại biểu Ngô Văn Toàn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Nguyễn Hữu Tài, Tổng Công ty chè Việt Nam; TS Nghiêm Gia, Tổng Công ty thép Việt Nam; Đỗ Thành Hưng, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với nội dung dự thảo Chiến lược với mục tiêu đến năm 2020, để nước ta có một nền khoa học và công nghệ phát triển cân đối, đồng bộ giữa các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Việt Nam sẽ xây dựng được hệ thống tổ chức, nhân lực khoa học và công nghệ mạnh trong một số lĩnh vực trọng tâm đạt trình độ quốc tế. Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất mới, tạo được đột phá về lực lượng sản xuất cho một nền kinh tế công nghiệp hóa về cơ bản vào năm 2020, hiện thực hóa vai trò nền tàng, động lực then chốt của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu đánh giá cao quan điểm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trở thành đầu tầu và trung tâm của đổi mới công nghệ, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh. Các đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư cho khoa học và công nghệ, cần huy động mạnh mẽ nguồn đầu tư của doanh nghiệp và các nguồn đầu tư khác, kể cả đầu tư nước ngoài và cần xác định đây là biện pháp chủ yếu để tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ…

Đại biểu Đỗ Thành Hưng đề nghị cần đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ từ 2 – 3%, chứ không chỉ thể hiện chung chung như “đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ không thấp hơn 2% tổng chi ngân sách hàng năm”, khẳng định Nhà nước dành mức ưu tiên cao nhất đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ…

Đại diện các doanh nghiệp cũng đã tập trung làm rõ và đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020; cơ cấu đầu tư 20% chi nhân sách nhà nước; các giải pháp đột phá nhằm phát triển khoa học công nghệ; mục tiêu tăng tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và tạo ra lực lượng sản xuất mới./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục