IMF cảnh báo Pháp về tăng trưởng kinh tế chậm

IMF cảnh báo Pháp cần phải gia tăng hành động nhằm cắt giảm thâm hụt công do tăng trưởng chậm đang đe dọa tốc độ phục hồi kinh tế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo Pháp cần phải gia tăng hành động nhằm cắt giảm thâm hụt công trong các năm 2012 và 2013 do tăng trưởng chậm đang đe dọa tốc độ phục hồi kinh tế còn mong manh của nước này.

Theo dự báo của IMF, tăng trưởng tại Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Eurozone, có thể chậm lại trong năm 2012, xuống còn 1,9% so với 2,1% của năm nay, và thấp hơn nhiều so với dự đoán 2,25% của Chính phủ Pháp. Nợ công của Pháp năm 2013 có thể sẽ đạt đỉnh 88% GDP.

IMF cho rằng nếu không nỗ lực hơn, thâm hụt ngân sách của Pháp có thể sẽ không đạt được mục tiêu giảm xuống còn 3,8% GDP trong năm 2013, và vẫn cao hơn giới hạn 3% mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.

Pháp hiện đang chịu sức ép ngày càng tăng về vấn đề cắt giảm thâm hụt sau khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vào tuần trước đã đóng vai trò đầu tàu trong thỏa thuận về gói cứu trợ mới giành cho Hy Lạp nhằm bình ổn khu vực Eurozone. Ông Sarkozy đang nỗ lực thúc đẩy một sự thay đổi đối với hiến pháp của Pháp, theo đó bắt buộc chính phủ nước này phải giữ được một ngân sách cân bằng.

Tuy nhiên, kế hoạch này của ông đang gặp phải sự chống đối từ đảng Xã hội đối lập. Các quan chức Pháp lo ngại rằng xếp hạng tín dụng của Pháp có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu Tổng thống Sarkozy buộc phải triệu tập một cuộc họp Quốc hội đặc biệt để thông qua luật ngân sách này.

Pháp đã cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 5,7% GDP trong năm nay, 5,6% GDP trong năm 2012 và xuống mức giới hạn 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2013. Song những mục tiêu này phụ thuộc rất lớn vào mức tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của IMF cho rằng theo các đánh giá hiện tại của tổ chức này, việc đạt được mục tiêu giảm thâm hụt xuống 3% GDP vào năm 2013 đòi hỏi Pháp phải có nhiều giải pháp.

Cả IMF lẫn giới phân tích đều cảnh báo rằng sự phục hồi mong manh hiện nay của kinh tế toàn cầu có thể sẽ còn yếu hơn trong những năm tới, do cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và Mỹ cũng như sự tăng trưởng quá nóng tại các nền kinh tế đang nổi./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục