IAEA: Vật liệu hạt nhân khó vào tay khủng bố hơn

Vật liệu hạt nhân đã được kiểm soát tốt hơn trên toàn cầu, sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đạt được thỏa thuận siết chặt an ninh.
Ngày 15/2, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định các vật liệu hạt nhân đã được kiểm soát tốt hơn trên toàn cầu, sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đạt được thỏa thuận siết chặt an ninh đối với những vật liệu nhạy cảm này tại Hội nghị không phổ biến hạt nhân ở Washington năm 2010.

Giám đốc IAEA về an toàn và an ninh hạt nhân, bà Anita Birgitta Nilsson, nhấn mạnh lượng vật liệu hạt nhân ngày càng được kiểm soát tốt hơn trên toàn cầu và ngày càng khó rơi vào tay các tổ chức khủng bố.

Với ngân sách hàng năm gần 30 triệu USD, IAEA giúp các nước ngăn chặn tình trạng buôn lậu urani, plutoni và các vật liệu khác có thể sử dụng để chế tạo thiết bị hạt nhân hoặc bom "bẩn," hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực kiểm soát biên giới cũng như hỗ trợ các thiết bị và phương tiện phát hiện hạt nhân khác.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano đồng thời kêu gọi thế giới cần cảnh giác, vì vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo an ninh và an toàn hạt nhân. IAEA đã thiết lập cơ sở dữ liệu về buôn bán hạt nhân bất hợp pháp từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, và trung bình cứ hai ngày nhận được một báo cáo về một vụ buôn bán bất hợp pháp này.

Bà Nilsson cũng lưu ý rằng thế giới không thể thỏa mãn vì trên lý thuyết, các tổ chức khủng bố có thể chế tạo những thiết bị hạt nhân thô nếu có tiền, bí quyết công nghệ và một lượng vật liệu phân hạch hạt nhân. Các tổ chức này đang tìm mọi cách để chế tạo bom hạt nhân. Việc các tổ chức này giành được vật liệu hạt nhân cấp vũ khí là mối đe dọa lớn nhất và nghiêm trọng nhất đối với thế giới.

Tại Hội nghị không phổ biến hạt nhân năm 2010, Mỹ và 46 nước đã thỏa thuận thực hiện kế hoạch hành động tự nguyện để đảm bảo an ninh tất cả các vật liệu hạt nhân trong bốn năm tới.

Từ đó đến nay, 2.500kg nhiên liệu nguyên tử đã qua sử dụng và có độ phóng xạ cao đã được vận chuyển với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều nước trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt nhất, từ Serbia tới Nga.

Tháng 12/2010, Ukraine cũng đã chuyển phần lớn nguồn urani có độ làm giàu cao tới Nga theo chương trình phối hợp với Mỹ nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục