Cần tăng nguồn cung cho chương trình bình ổn giá

Trước sự biến động của thị trường, TP. HCM cần tăng cường hơn nữa trong việc dự trữ, lưu thông, phân phối hàng hóa bình ổn giá.
Ngày 12/8, tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các Sở, ngành và doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Thành phố năm 2011 và Tết Nhâm Thìn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định Thành phố đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển chương trình bình ổn giá.

Tuy nhiên, trước sự biến động của giá cả thị trường, đặc biệt là thời điểm cuối năm và Tết Nhâm Thìn, thành phố cần tăng cường hơn nữa trong việc dự trữ, lưu thông, phân phối hàng hóa và phát triển công tác này có chiến lược dài hạn.

Sở Công Thương thành phố cho biết, tính đến 10/8, thành phố có tổng số 3.773 điểm bán hàng bình ổn, phát triển trên 200 cửa hàng tiện ích gồm các chuỗi Co.op Food, Vissan, Satra Food, Foodco Mart…

Bên cạnh đó, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng sâu, vùng xa, công nhân các khu chế xuất-khu công nghiệp, chương trình cũng đã triển khai 199 chuyến bán hàng lưu động với doanh thu ước đạt 4,03 tỷ đồng. Chương trình đóng vai trò là cầu nối quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động phối hợp, liên kết với nhau và với doanh nghiệp các tỉnh, thành để tăng cường nguồn hàng đảm bảo nhu cầu thị trường.

Chương trình cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư về con giống, công nghệ và trang thiết bị hiện đại cho quá trình sản xuất, chăn nuôi góp phần giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm tạo nguồn hàng chủ động và tham gia bình ổn thị trường.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết chương trình bình ổn giá không những thể hiện tính dẫn dắt thị trường, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng mà còn giúp doanh nghiệp có đầu ra ổn định cho hàng hóa, xây dựng thương hiệu Việt.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng chương trình khởi nguồn từ việc kêu gọi doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp Tết, trải qua hơn 9 năm đã trở thành chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu mang tính thiết thực và đi vào đời sống người dân, phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn về giá cả, chất lượng hàng hóa.

Trong năm 2011, thành phố tiếp tục xác định những mục tiêu để triển khai chương trình tốt hơn như giải pháp phát triển mạng lưới bán lẻ tập trung ưu tiên các khu vực quận, huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa; doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong dẫn dắt doanh nghiệp tư nhân thực hiện theo; triển khai chương trình chăn nuôi trang trại tạo nguồn cung ổn định cho hàng bình ổn.../.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục