Mở đợt cao điểm kiểm tra các loại vũ khí, vật liệu nổ

Sáng 20/8, Bộ Công an đã phát động đợt cao điểm kiểm tra, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang trôi nổi trong nhân dân.
Sáng 20/8, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị triển khai Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phát động cao điểm thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tổng kết thực hiện Công điện số 242/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra những mặt tồn tại, bất cập cần kịp thời chấn chỉnh, khắc phục trong công tác công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đó là, nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong thời gian qua vẫn còn buông lỏng quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tình trạng tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vẫn diễn biến phức tạp...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần tổ chức phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh và Nghị định 47 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tổ chức lực lượng, phương tiện để phát hiện, phòng ngừa, điều tra làm rõ các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác vận động quần chúng, thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; chủ động phát động, mở các đợt cao điểm để vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm thu hồi số vũ khí, vật liệu nổ đang trôi nổi trong nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tổ chức, cá nhân về các biện pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm của mỗi đơn vị, địa phương để vận động toàn dân phát hiện, thu nộp  vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng sớm rà soát lại việc cấp phép vật liệu nổ. Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công an phối hợp sớm ban hành quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài chính đảm bảo cho công tác tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đề cập về công tác phòng cháy chữa cháy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy; sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy cho phù hợp với tình hình mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định phòng cháy chữa cháy, nhất là việc đầu tư, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ, đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện “Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo báo cáo của các đơn vị Bộ Công an, sau 15 năm thực hiện Nghị định 47/CP về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trên các phương diện như quản lý nhà nước; phòng chống tội phạm và phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng hội nhập quốc tế; thể hiện trên tất cả các mặt công tác, từ đăng ký, cấp phép sử dụng; tổng kiểm tra, rà soát; vận động nhân dân thu nộp; phòng chống sản xuất, vận chuyển, buôn bán... đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.

Các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chặt chẽ đúng quy định, quy trình trong kiểm soát, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tổ chức duy trì thường xuyên các đợt tổng kiểm tra vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và cấp giấy phép sử dụng trong phạm vi cả nước nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các cơ sơ hở, thiếu sót vi phạm.

Qua kiểm tra đã phát hiện 4.288 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hàng tỷ đồng, thu hồi 17.495 khẩu súng các loại và hàng ngàn viên đạn, quả lựu đạn, kilôgam thuốc nổ, kíp nổ và phụ kiện gây nổ khác; vận động nhân dân thu hồi được 308.040 khẩu súng các loại, cùng hàng ngàn viên đạn, quả đạn, đầu đạn, lựu đạn, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.

Các lực lượng chức năng cũng đã đấu tranh thu từ các đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án hơn 900 súng và hàng ngàn viên đạn; thu 2.219 súng, 901 quả bom, mìn, 1.003 đầu đạn pháo, 2.064 công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ từ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép.

Thực hiện Công điện số 242 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vấn đề tồn tại về công tác phòng cháy chữa cháy ở địa phương đã được giải quyết như: nguồn nước, giao thông phục vụ chữa cháy... được cải tạo đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và thoát nạn. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đã được nâng cao. Công an các địa phương đã tổ chức 1.512 lớp huấn luyện nghiệm vụ phòng cháy chữa cháy cho 76.512 người làm việc ở các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, các khu dân cơ tập trung; xử lý 3.508 trường hợp. Tình hình cháy nổ đã được kiềm chế, từ tháng Hai đến tháng Năm, cả nước xảy ra 461 vụ cháy.

Nhân dịp này, Bộ Công an đã phát động tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp  vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đợt cao điểm này nhằm tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước về  vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, từng bước đưa Pháp lệnh quản lý, sử dụng  vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới./.

Nguyễn Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục