Thông tấn xã Việt Nam: 65 năm không có giờ nghỉ

Nhà báo Đỗ Phượng - Nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã ôn lại ý nghĩa ngày truyền thống của những người làm thông tấn.
Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của những người làm thông tấn (15/9), nhà báo Đỗ Phượng - Nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã ôn lại những dấu mốc quan trọng của ngành.

1. Cả nước vào hội 65 năm hào khí giành và bảo vệ nền độc lập tự do, tiến tới 1.000 năm định đô Thăng Long. Tuyên ngôn độc lập Ba Đình càng tỏa sáng trong vận hội mới của đất nước.

Hòa trong niềm vui chung của dân tộc, những người làm thông tấn càng nhộn nhịp cho ngày truyền thống 15/9 của mình.

Đã có nhiều cuộc bàn cãi tại sao không lấy ngày 24/8 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tin ngày 23/8 do anh Cả Nguyễn Lương Bằng đưa tới khi Bác mới về đến ngoại thành Hà Nội. Bác xem bản tin và nói với những đồng chí chung quanh mình: anh em làm nhanh đấy, nhưng phải có tên chứ.

Rồi tự tay Bác viết lên trên bản tin tên Việt Nam Thông tấn xã bằng cả chữ quốc ngữ và chữ Hán kèm theo chữ viết tắt VNTTX.

Anh Năm Trường Chinh (lúc đó còn mang bí danh Thận) đã thuật lại việc này đầu năm 1976 tại Thành phố Hồ Chí Minh khi cùng các anh Phạm Văn Đồng và Phạm Hùng bàn đặt tên mới cho Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã giải phóng được phép thực hiện thống nhất trước các ban ngành khác để bảo đảm chỉ có một nguồn tin duy nhất về bầu cử quốc hội thống nhất.

Các anh vẫn muốn giữ tên do Bác Hồ đặt. Giải pháp của anh Phạm Văn Đồng đề ra được anh Trường Chinh và mọi người nhất trí là vẫn giữ nguyên năm từ của Bác chỉ cần đảo ngược cụm từ Việt Nam Thông tấn xã thành cụm từ Thông tấn xã Việt Nam.

Vì vậy từ ngày 24/5/1976, Thông tấn xã Việt Nam chính thức ra đời. Tuy hoạt động chính thức và công khai từ tháng 5/1976 nhưng phải đến tháng 5/1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội thống nhất bầu ra mới phê chuẩn việc đổi tên Việt Nam Thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

Những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta vẫn trân trọng tên gọi mà Bác Hồ đặt cho Thông tấn xã. Từ đó, ngày thành lập Thông tấn xã lại được đem ra bàn bạc.

Tuy nhiên, ngày phát sóng ra toàn thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập Ba Đình bằng cả ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp cùng danh sách Chính phủ cách mạng lâm thời đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại không chỉ riêng đối với Thông tấn xã mà là của cả đất nước và dân tộc.

Tuyên ngôn độc lập do Bác đọc ngày 2/9/1945 đã được dịch ngay sang tiếng Anh và tiếng Pháp nhưng những người làm Thông tấn xã lúc đó phải mất đúng 13 ngày mới nhặt nhạnh được đủ các chi tiết cần thiết lắp đặt thiết bị để ngày 15/9 chính thức lên sóng.

Ngày 15/9 đương nhiên trở thành ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam mà không còn một sự tranh cãi nào mặc dầu những người làm Thông tấn xã không bao giờ quên anh Trần Kim Xuyến và các đồng chí của anh làm bản tin đầu tiên vào ngày 23/8 và càng không thể quên ngày 24/8 là ngày được Bác Hồ đặt tên, nuôi dạy và chăm sóc để từ mấy cán bộ thuở ban đầu trở thành một cơ quan Thông tấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng các huân chương Lao động hạng nhất, Kháng chiến hạng nhất, Độc lập hạng nhất, huân chương Hồ Chí Minh và huân chương Sao Vàng.

Và có thể ngày 15/9 này lại một lần nữa Thông tấn xã nhận lần thứ hai tấm huân chương mang tên Người đã khai sinh và dạy dỗ mình.

2. Trước ngày 15/9 lần thứ 65 này lại diễn ra hai sự kiện thật sự có ý nghĩa đối với Thông tấn xã Việt Nam.

Sự kiện thứ nhất là đúng 18 giờ ngày 25/8 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thông tấn xã Việt Nam bấm nút chính thúc khai trương Kênh truyền hình Thông tấn.

Kênh truyền hình Thông tấn đã trải qua 60 ngày phát thử nghiệm được một bộ phận cán bộ và nhân dân chú ý theo dõi và hưởng ứng.

Thế hệ những người làm truyền hình Thông tấn xã hôm nay đều biết rất rõ từ năm 1985 trước đại hội lần thứ VI của Đảng đúng một năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập hãng Thông tấn báo chí Việt Nam song song với Thông tấn xã Việt Nam.

Hãng Thông tấn báo chí có tên là Vinapress gồm cả báo viết, báo hình, nhà xuất bản và đặc biệt có kênh truyền hình mang tên VideoPress. Vì nhiều lý do, hãng thông tấn thứ 2 chưa thành lập nhưng các thành viên của nó vẫn ra đời và nằm chung trong Thông tấn xã Việt Nam.

Một phần tư thế kỷ trước mặc dầu đã thực hiện hạch toán kinh tế toàn ngành, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư ngay 100.000 USD sắm thiết bị truyền hình nhưng chỉ có thể thành lập Trung tâm nghe nhìn mà chưa thực hiện được kênh truyền hình.

Ngày 25/8/2010 đã thực hiện được mơ ước của những người làm Thông tấn xã từ trên 25 năm trước. Ai cũng biết rằng lên một kênh truyền hình chuyên biệt về tin tức, thời sự 24/24 giờ là một việc vô cùng khó khăn. Nhưng nó đã bắt đầu với 60 ngày thử nghiệm khá thành công dù thời lượng còn hạn chế.

Không chỉ ban biên tập và phóng viên nằm trong biên chế truyền hình mà hầu như các ban chức năng của Thông tấn xã và đội ngũ phóng viên của 63 phân xã trong nước, gần 30 phân xã nước ngoài đang vào cuộc.

Dẫu thành công của kênh truyền hình Thông tấn mới chỉ là bước khởi đầu nhưng là một bước khởi đầu đẹp báo hiệu tương lai phát triển vững chắc và sẽ thu hút lực lượng người theo dõi kênh thông tin hình ảnh động ngày một rộng rãi.

Sẽ còn những loại hình và phương thức thông tin nào mới được các thế hệ mới của Thông tấn xã thực hiện trong tương lai, nhưng rõ ràng là cùng những loại hình truyền thống, truyền thông đa phương tiện đã được thực hiện trong mấy năm gần đây tạo cho Thông tấn xã nhiều đối tượng mới cả trong nước và nước ngoài.

Ngày 25/8 đáng được ghi thêm vào lịch sử phát triển Thông tấn xã Việt Nam trong năm thứ 65 của mình một đóa hoa đẹp.

Sự kiện thứ hai mang dấu ấn lịch sử của 65 năm Thông tấn xã Việt Nam chính là Đại hội lần thứ XXIV đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam. Tuy là đại hội nhiệm kỳ nhưng lại có những nét đặc trưng riêng. Một là, nó diễn ra chỉ 15 ngày trước ngày truyền thống 15/9 của ngành, thời điểm và tinh thần đại hội tự nó có sức cổ vũ cho toàn thể những người làm Thông tấn xã.

Hai là, lần đầu tiên đảng bộ Thông tấn xã tập hợp toàn thể, đảng viên, công tác tại các phân xã, tỉnh, thành phố trong cả nước về một mái nhà chung, nâng số lượng đảng viên lên 775 đồng chí tương đương với tổng số cán bộ phóng viên trong và ngoài đảng cả hai miền đất nước thời chiến tranh ác liệt.

Ba là, tuy là đại hội nhiệm kỳ nhưng đại hội lần thứ 24 nằm trong lộ trình đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội lần thứ XI của Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2011 với những ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử Đảng.

Nét đặc trưng thứ tư thật sự đặc biệt khi phương hướng nhiệm vụ của Đại hội được xác định: “Xây dựng TTXVN thành một trung tâm thông tin chiến lược đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước, trở thành một tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh, bắt kịp yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, giữ vững vị thế là dòng thông tin chủ lưu trong hệ thống thông tin, báo chí của đất nước, là nguồn thông tin chính thức của Việt Nam đối với dư luận trong nước và quốc tế. Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo thực hiện các chương trình công tác của ngành: Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của thông tin, trong đó tập trung phát triển vững chắc các loại hình thông tin mới: truyền hình và đa phương tiện, Chương trình phát triển nguồn nhân lực, Chương trình nâng cao năng lực kỹ thuật phục vụ thông tin, Chương trình tăng cường hiệu quả công tác quản lý, và Chương trình xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng.”

Chỉ cần đọc những điều này, thế hệ cán bộ lâu năm của Thông tấn xã Việt Nam đều chung niềm vui: thế hệ Thông tấn xã Việt Nam năm thứ 65 này không chỉ kế tiếp công việc của lớp người đi trước mà chính họ đang là lớp người giầu trí tuệ sáng tạo, giàu nghị lực và ý chí để xây dựng và phát triển Thông tấn xã Việt Nam vượt qua mơ ước của lớp cha, anh thỏa tâm linh của hàng trăm liệt sỹ và các bậc cao niên lâm trọng bệnh đã về thanh thản an nghỉ cõi Bác Hồ./.

Đỗ Phượng (Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng,Tổng giám đốc TTXVN)

Tin cùng chuyên mục