Eurozone gửi kỳ vọng vào Cơ chế bình ổn châu Âu

Ngày 8/10, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chính thức khởi động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ thường trực thay thế Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) có tính chất lâm thời đã hoạt động lâu nay - như "một phần của chiến lược toàn diện nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính trong liên minh tiền tệ này." Tuy nhiên, việc ra đời ESM (có khả năng cho vay 500 tỷ euro cộng với 200 tỷ euro "kế thừa" từ EFSF) cũng không đủ sức để giải quyết nợ công của khu vực Eurozone đã lên tới con số khổng lồ. Điều quan trọng hơn là các nước có mức nợ công cao đã không đủ điều kiện để nhận tiền từ ESM, vì đã vi phạm “quy tắc vàng” do Hiệp ước ngân sách đề ra.
Ngày 8/10, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chính thức khởi động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ thường trực thay thế Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) có tính chất lâm thời đã hoạt động lâu nay - như "một phần của chiến lược toàn diện nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính trong liên minh tiền tệ này."

Dấu ấn 700 tỷ euro

Trên cương vị Chủ tịch Ban Giám đốc ESM, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker đánh giá việc triển khai ESM là "một cột mốc lịch sử trong tiến trình định hình tương lai của liên minh tiền tệ châu Âu và Eurozone."

Theo ông, ESM không phải là một công cụ riêng lẻ mà là một phần của kế hoạch toàn diện nhằm định hình lại hoạt động quản lý kinh tế ở Eurozone. Tại cuộc họp đầu tiên của Ban Giám đốc ESM, Giám đốc quỹ cứu trợ tạm thời của Eurozone Klaus Regling đã được chỉ định làm Giám đốc Điều hành ESM.

Theo thỏa thuận thành lập ESM mà 17 nước Eurozone đã ký hồi tháng 2/2012, ESM sẽ được triển khai vào tháng 7/2012, song hành với EFSF cho đến khi quỹ cứu trợ ngắn hạn này hết hiệu lực vào giữa năm 2013. Khi đi vào hoạt động ESM trở thành bức “tường lửa tài chính” có khả năng cho vay lên tới 500 tỷ euro giúp chống lại sự lây lan của các cuộc khủng hoảng nợ trong Eurozone trong vòng ba năm.

Nhiệm vụ của ESM là hỗ trợ tài chính cho các thành viên Eurozone vào thời điểm khó khăn nhằm duy trì sự ổn định tài chính của khu vực. Các nước thành viên Eurozone đang gặp khó khăn về tài chính sẽ có thể vay tiền từ ESM để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công. Đổi lại, những nước này phải tiến hành các cải cách tài chính và tái cơ cấu nhằm đưa các nền kinh tế không còn được giới đầu tư tin tưởng quay trở lại quỹ đạo.

[Cơ chế bình ổn châu Âu sẽ có hiệu lực vào tháng 9]


Ngoài việc cứu trợ các nước gặp khó khăn, ESM còn có thể bơm tiền trực tiếp cho những ngân hàng thiếu vốn trong Eurozone, đồng thời cũng được phép mua trái phiếu tại thị trường thứ cấp, nhằm giúp giảm sức ép đối với các nước Eurozone gặp khó khăn khi phải vay mượn tiền với lãi suất cao tới mức không thể chịu đựng nổi.

Để có hiệu lực, ESM cần sự phê chuẩn của các nước đóng góp 90% ngân quỹ. Đức đóng góp khoảng 27% ngân quỹ của ESM, đồng nghĩa với việc ESM không thể đi vào hoạt động nếu thiếu sự hỗ trợ của nền kinh tế lớn nhất Eurozone này. Lẽ ra ESM đã phải thay thế EFSF, song trên thực tế cho tới trước ngày 12/9, Liên minh châu Âu buộc phải tạm lùi thời gian hoạt động của ESM do "rào cản" từ Đức.

Chậm trễ vì Đức

Đức là nước ủng hộ ESM ngay từ đầu, song khi quỹ cứu trợ dài hạn này sắp được thành lập, một số thách thức đã xuất hiện. Nguyên nhân trực tiếp là nhiều người Đức lo ngại ESM vi hiến. Còn nguyên nhân sâu xa hơn là một mặt hầu hết người Đức muốn châu Âu hội nhập hơn nữa, nhưng mặt khác họ lại "không nỡ" từ bỏ một lợi ích quốc gia quan trọng.

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tại Eurozone, Berlin luôn cho rằng các nước đang chìm trong nợ công và khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng phải tự tìm cách cứu lấy mình trước khi viện đến sự trợ giúp từ các nước thành viên khác trong khu vực hay từ các tổ chức tín dụng quốc tế.

[Đức thông qua ESM và hiệp ước tài chính EU mới]

Quan điểm này của Berlin được minh chứng bằng các tuyên bố và hành động cụ thể, như phản đối thành lập trái phiếu chung châu Âu, một cơ chế để chính phủ các quốc gia thành viên vay tiền từ bên ngoài giải quyết cho khủng hoảng nợ trong nước. Ngoài ra, Berlin cũng rất ngặt nghèo trong việc cân nhắc chấp thuận hình thành quỹ cứu trợ dài hạn cho khu vực. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi từ thực tế, cuối cùng Đức đã "nhượng bộ" để cùng chung tay vực dậy một châu Âu đang ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng. Ngày 12/9 Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức đã bật đèn xanh cho việc phê chuẩn ESM với tuyên bố Cơ chế này không vi phạm Luật cơ bản của Đức, mở đường giúp Eurozone vượt qua chướng ngại vật cuối cùng để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.


Tuy nhiên, Berlin lại đưa ra một số điều kiện ràng buộc kèm theo. Những điều kiện này bao gồm hai nội dung chính. Thứ nhất, trong bất cứ trường hợp nào, nếu không được sự phê chuẩn của Quốc hội Đức, nghĩa vụ tài chính mà Đức đóng góp vào ESM sẽ không được phép vượt quá 190 tỷ euro (246 tỷ USD). Điều kiện này như một sự hạn chế về nghĩa vụ tài chính mà Berlin sẽ đóng góp cho quỹ cứu trợ dài hạn này. Thứ hai, Quốc hội Đức có quyền được biết tất cả các thông tin hoạt động của ESM và các thành viên của ESM không có quyền tác động để thay đổi điều này. Điều kiện thứ hai này là sự xác định quyền chủ động của Đức trong hoạt động của ESM.

Trong bối cảnh các thành viên Eurozone đang rất cần ESM, 17 quốc gia thành viên của khối này đã cho thấy sự nhượng bộ để chiều lòng người Đức nhằm có thể ký tuyên bố chung tại Brúcxen vào ngày 26/9 - tuyên bố sẽ xác định rõ ràng rằng nghĩa vụ tài chính của một nước tham gia vào hiệp ước sẽ chỉ được tăng quá giới hạn ban đầu nếu như nhận được sự thông qua của cơ quan lập pháp cao nhất (Quốc hội) của chính nước đó.

Nội dung này phù hợp với điều kiện thứ nhất mà Berlin đặt ra. Ngoài ra, tuyên bố chung cũng sẽ củng cố quyền của quốc hội các nước thành viên được tiếp nhận thông tin về hoạt động của ESM. Đây là nội dung phù hợp với điều kiện thứ hai mà Đức yêu cầu. Như vậy, cả hai điều kiện tiên quyết, có thể coi là rào cản cuối cùng mà Berlin đặt ra, đã được thỏa mãn.

Cần thêm sự trợ giúp


Tuy nhiên, việc ra đời ESM (có khả năng cho vay 500 tỷ euro cộng với 200 tỷ euro "kế thừa" từ EFSF) cũng không đủ sức để giải quyết nợ công của khu vực Eurozone đã lên tới con số khổng lồ: Nợ chính phủ thuộc Eurozone hiện đã tăng lên 88,2% GDP. Hy Lạp có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất khu vực đã là 132,4%; Italy 123,3%, Bồ Đào Nha 111,7%, Ireland 108,5%, Pháp 88,5% và Tây Ban Nha 71,9%.

Điều quan trọng hơn là các nước có mức nợ công cao như trên đã không đủ điều kiện để nhận tiền từ ESM, vì đã vi phạm “quy tắc vàng” do Hiệp ước ngân sách đề ra. Vì thế, ngày 30/9 "bộ tam" chủ nợ quốc tế gồm đại diện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC) đã đến Athens để đánh giá lại tình hình trước khi đưa ra quyết định cứu trợ.

Hy Lạp đã nhận hai gói cứu trợ lên đến 240 tỷ euro, song vẫn có nguy cơ vỡ nợ ngay trong tháng 11 và phải rời Eurozone vào thời gian tới, nếu không được giải ngân tiếp 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai vốn bị trì hoãn vài tháng qua vì các bên liên quan chưa đạt đồng thuận về cách thức kéo nước này ra khỏi bờ vực khủng hoảng nợ công.

Thêm vào đó, tình hình Tây Ban Nha vẫn đang đáng báo động cho dù Madrid vẫn khăng khăng chưa cần tới gói cứu trợ tổng thể từ các định chế tài chính nước ngoài nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính nhấn chìm nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone này.

Tháng Sáu vừa qua, Chính phủ của ông Mariano Rajoy đã phải cầu viện gói cứu trợ ngân hàng trị giá 100 tỷ euro trong bối cảnh lãi suất vay mượn của Tây Ban Nha tăng lên mức báo động (hơn 7%) và vùng Catalonia trong tháng 8 đã đề xuất gói cứu trợ 5 tỷ euro từ chính phủ trung ương.

Như vậy về mặt tài chính, ESM còn cần phải có sự hỗ trợ của các tổ chức khác như IMF và ECB. Còn về chính trị cần phải viện đến EC đưa ra quy chế đặc thù thì các nước có mức nợ công cao mới nhận được sự hỗ trợ tài chính từ ESM./.

Hoàng Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục