EU quyết tâm sớm thông qua Hiệp ước Lisbon

Ngày 29/10, lãnh đạo 27 nước EU bắt đầu hội nghị thượng đỉnh hai ngày nhằm tháo gỡ những trở ngại cuối cùng đối với Hiệp ước Lisbon.
Ngày 29/10, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại Brussels, Bỉ.
 
Tại hội nghị lần này, các nước EU sẽ bàn luận các giải pháp nhằm loại bỏ những trở ngại cuối cùng đối với Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế của khối và thống nhất mức đóng góp cho một quỹ chống biến đổi khí hậu toàn cầu hiện gây bất đồng sâu sắc giữa các nước phía Đông và Tây Âu.

Hiệp ước Lisbon, trong đó xây dựng chức Chủ tịch EU đầu tiên nhiệm kỳ hai năm, thay chức chủ tịch luân phiên 6 tháng do các nước thành viên nắm giữ, và chức bộ trưởng ngoại giao thay các chức vụ kiêm nhiệm về đối ngoại hiện nay trong EU, để có hiệu lực phải được tất cả 27 nước thành viên thông qua.

Tuy nhiên, văn bản này lại đang gặp trở ngại ở Séc khi bị tổng thống nước này từ chối ký phê chuẩn dù đã được Quốc hội thông qua.

Ngoài "chiến thuật" để Séc hoàn tất quá trình thông qua Hiệp ước Lisbon, hội nghị thượng đỉnh EU lần này còn phải bàn vấn đề tranh cãi mới nổi lên là người sẽ giữ chức Chủ tịch EU và Ngoại trưởng EU khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực.

Ngay khi còn chưa có đề nghị chính thức về các ứng cử viên, trong đó dự kiến là cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, các nước thành viên đã đưa ra những quan điểm rất khác nhau về các ứng cử viên.

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU, Thụy Điển còn muốn hội nghị này đi đến thỏa thuận về tài trợ giúp các nước đang phát triển đối phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu tại Đan Mạch vào cuối năm nay.

EU đang hy vọng với quỹ tài trợ được đề xuất, có thể sẽ thuyết phục được những nước công nghiệp hoá mới nổi lên tham gia thoả thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu sau năm 2012, dự kiến được ký kết tại hội nghị ở Đan Mạch vào tháng 12 tới.

Tuy nhiên, vừa qua, 7 nước ở Đông Âu đã phản đối cơ chế đóng góp tài chính cho quỹ này, cho rằng việc họ cũng phải đóng góp giống như các nước giàu có ở Tây Âu là không công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục