Luật cắt giảm thuế của Mỹ chính thức có hiệu lực

Sau khi vượt qua các rào cản, dự luật cắt giảm thuế gây tranh cãi đã được Tổng thống Barack Obama chính thức ký ban hành ngày 17/12.
Sau khi vượt qua các rào cản tại Thượng viện và Hạ viện, dự luật cắt giảm thuế gây tranh cãi đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức ký ban hành ngày 17/12.

Phát biểu sau khi ký, Tổng thống Obama khẳng định đạo luật trị giá 858 tỷ USD này là một chiến thắng giành cho tầng lớp trung lưu của nước Mỹ, một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ vừa qua. Ông nêu rõ luật cắt giảm thuế sẽ giúp thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới sau "bão" tài chính 2008-2009.

Theo giới quan sát, đây là một thắng lợi của chính quyền Obama kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 11 vừa qua với kết quả đảng Cộng hòa giành thế đa số ghế tại Hạ viện và thu hẹp cách biệt tại Thượng viện. Trước đó, văn kiện này đã được hai viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Với việc gia hạn tạm thời thêm hai năm đối với mọi đối tượng được cắt giảm thuế suất dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush, trong đó có cả những người giàu nhất, trợ cấp thất nghiệp thêm 13 tháng đối với những người bị thất nghiệp dài hạn và giảm 2% thuế đánh vào lương nhằm khuyến khích doanh nghiệp thuê thêm nhân công, dự luật này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Dân chủ, coi đây là sự thỏa hiệp không cần thiết của chính quyền trước đảng Cộng hòa.

Theo họ, việc gia hạn cắt giảm thuế chỉ nên áp dụng cho tầng lớp thu nhập trung bình trở xuống, trong khi các nghị sĩ Cộng hòa nhất quyết đòi phải gia hạn cắt giảm thuế cho mọi tầng lớp.

Bảo vệ cho văn kiện này, Tổng thống Obama khẳng định mặc dù kế hoạch cắt giảm thuế này "không hoàn hảo", song trong thời điểm quan trọng hiện nay, nó sẽ giúp tạo việc làm, giảm bớt gánh nặng đối với tầng lớp trung lưu và những người thất nghiệp.

Giới phân tích nhìn nhận các biện pháp cắt giảm thuế có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên cũng sẽ khiến thâm thủng ngân sách liên bang thêm nặng nề trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế số một thế giới sau cuộc khủng hoảng được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước vẫn hết sức mong manh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục