5.000 trường học dùng hệ thống quản lý của Viettel

Sau khi triển khai thành công ở gần 1.000 trường học, đã có 5.000 trường đăng ký sử dụng phần mềm quản lý trường học của Viettel.
Ngày 16/3, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, khoảng 5.000 trường học khối phổ thông tại 45 tỉnh/thành đã đăng ký tham gia tập huấn hệ thống phần mềm quản lý trường học (SMAS) của đơn vị này.

Kết quả này có được sau khi Viettel thử nghiệm thành công SMAS tại gần 1.000 trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Song song với việc đào tạo, hướng dẫn sử dụng, năm 2012, Viettel tiếp tục bổ sung tính năng cho SMAS, để phần mềm này có thể đáp ứng được cho cả những cơ sở giáo dục đặc thù như trường chuyên, trường quốc tế,... trở thành một công cụ hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy. Trong năm 2013, Viettel sẽ tiếp tục xây dựng ứng dụng trực tuyến trên Internet gồm thư viện điện tử, giáo án-bài giảng điện tử, sách điện tử...

Được biết, SMAS là giải pháp quản lý giáo dục do Viettel triển khai miễn phí tới các cơ quan quản lý giáo dục, trường học, cơ sở giáo dục.

SMAS hiện có 139 tính năng phục vụ cho công tác quản lý giảng dạy, hồ sơ, các kỳ thi và điều hành của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, SMAS còn hỗ trợ giáo viên trong việc quản lý quá trình học tập và rèn luyện của học sinh, giúp cho phụ huynh nắm được các thông tin về học tập (điểm thi, điểm danh) của con em mình.

Phần mềm cũng tích hợp một số công cụ SMS, web,... làm kênh thông báo, liên lạc giữa Sở, Phòng Giáo dục Đào tạo, phụ huynh, học sinh,... tạo cầu nối thông tin thông suốt từ cấp quản lý đến nhà trường và gia đình.

Là phần mềm trực tuyến được xây dựng theo mô hình điện toán đám mây, toàn bộ hệ thống SMAS chạy trên máy chủ và đường truyền của Viettel có độ an toàn và bảo mật cao. Các đơn vị triển khai chỉ cần có máy tính thông thường với đường truyền Internet Viettel (đã được Viettel hoàn thành kết nối từ tháng 12/2010), không phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị.

Theo ước tính của Viettel, số tiền tiết kiệm từ việc thử nghiệm tại 5.000 trường học này lên tới gần 300 tỷ đồng so với tổng chi phí để mỗi trường triển khai riêng một máy chủ hạng trung bình (chưa có phần mềm)./.

Phương Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục