Tin rỉ tai chứng khoán: Thực giả lẫn lộn

Những tin tức thuộc dạng "rỉ tai" liên tục xuất hiện trên thị trường chứng khoán trong thời điểm gần đây khiến nhà đầu tư chóng mặt. Bỏ ngoài tai thì lại sốt ruột khi thấy  cổ phiếu cứ liên tục tăng giá, nhưng mua vào thì lại sợ vớ… trái đắng. Vậy, nhà đầu tư phải làm sao để không bị tin đồn "đánh gục"?
"Mua đi, GMD đang giảm, cơ hội đấy. GMD chuẩn bị chia thưởng lớn lắm..!", hay "VC1 rồi sẽ lên gấp đôi hiện nay do lợi nhuận của dự án chung cư đường Lê Văn Lương, Hà Nội lên tới 250 tỷ đồng/vốn có hơn 70 tỷ đồng…!"

Những tin tức thuộc dạng "rỉ tai" như vậy liên tục xuất hiện trên thị trường chứng khoán trong thời điểm này khiến các nhà đầu tư phong trào chóng mặt.

Bỏ ngoài tai thì lại sốt ruột khi thấy  cổ phiếu cứ liên tục tăng giá ,nhưng mua vào thì lại sợ vớ… trái đắng. Vậy, nhà đầu tư phải làm sao để không bị tin đồn "đánh gục"?

Thực giả lẫn lộn


Sau thời gian dài “giậm chân tại chỗ”, đầu tháng 9, cổ phiếu SAM (Công ty cổ phần cáp và vật liệu viễn thông SACOM) bỗng đột ngột tăng giá cùng khối lượng khớp lệnh lớn. Ngay sau đó, thị trường rộ lên thông tin SAM sắp chia thưởng 1:1 và đang có nhiều dự án bất động sản lớn sắp công bố.

Bên cạnh các dự án bất động sản tiềm năng thì dự án sân golf Đà Lạt đã bán được 30% số thẻ cho khách VIP... Thông tin này liên tiếp dội về khiến ngày 16/9 ban lãnh đạo của SAM phải lên tiếng rằng SAM chưa có chủ trương chia thưởng 1:1 và không cung cấp bất kỳ thông tin nào về việc này.

Sau thông tin phủ nhận tin đồn của ban lãnh đạo SAM, cổ phiếu này quay lại giá xuất phát điểm. Hiện trên thị trường ngày càng rộ lên các tin đồn mỗi khi cổ phiếu nào đó đột ngột tăng giá như NTP, NTD, HCM, SJS, TNG…

Đã có khá nhiều doanh nghiệp có cổ phiếu khi biết được tin đồn đã kịp thời lên tiếng giúp nhà đầu tư tránh thiệt hại như Hòa Phát (HPG), Nhựa Tiền Phong (NTP)...

Điều hiển nhiên là các tin đồn xuất hiện trên thị trường không ngoài mục đích "thổi" giá cổ phiếu. Bởi sau khi cổ phiếu tăng giá khoảng 30% và điều chỉnh giảm, các nhà đầu tư chẳng thấy một tin tức nào được công bố. Tuy nhiên, cũng không phải các tin đồn đều không có thật, mới nhất là trường hợp của cổ phiếu VCG (Tổng Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam VINACONEX).

Sau thời gian hứng chịu tin xấu (VCG bị truy thu hơn 800 tỷ đồng), hai phiên giao dịch 16 và 17/9, VCG đã tăng giá kịch trần. Khi VCG bắt đầu tăng giá, trên thị trường lập tức có thông tin VCG đã nhận được dự án đô thị Tây Mỗ (phía tây Hà Nội), dự án này lớn hơn dự án đô thị Bắc An Khánh, lợi nhuận sẽ "khủng"…

Hai ngày sau, ban lãnh đạo VCG thừa nhận, VCG đang trong quá trình lập dự án đô thị Tây Mỗ. Vậy là tin đồn này là có cơ sở, nhà đầu tư nào đầu tư theo tin đồn này đã may mắn "ăn ra".

Hoặc hiện tượng CP SJS (Công ty cổ phần phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà SUDICO), cách đây hơn 1 tháng, bên cạnh việc ban lãnh đạo SJS công khai thông tin quý III/2009 sẽ đạt lợi nhuận 400 tỷ đồng thì thị trường cũng râm ran tin đồn SJS sẽ chia thưởng 1:1 và quyền mua 2:1 giá 20.000 đồng/cổ phiếu.

Nhờ những thông tin nửa thực, nửa hư trên mà giá CP SJS đã tăng một mạch từ 100.000 đồng/cổ phiếu lên xấp xỉ 200.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Và sự thật vào đầu tháng 9/2009, SJS công bố thông tin sát đến 99% tin đồn: Chia thưởng 1:1 và quyền mua 2:1 giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ khác tin đồn là quyền mua 2:1 giá 20.000 đồng/cổ phiếu.

Chấp nhận "5 ăn, 5 thua"?

Đầu tư theo tin đồn đương nhiên là việc tối kỵ với nhà đầu tư. Thế nhưng xác suất sinh lời khi đầu tư theo tin đồn lại đang ở ngưỡng cân bằng "5 ăn, 5 thua".

Nhưng cũng có một thực tế là việc đầu tư theo tin đồn, phần "5 ăn" thường thuộc về các nhà đầu tư thạo tin, thường là các khách VIP của công ty chứng khoán. Còn phần "5 thua" thì phần lớn thuộc về các nhà đầu tư nhỏ, nghe tin ở giai đoạn cuối.

Ông Đặng Thanh Thế, giảng viên Trung tâm đào tạo chứng khoán DoBF cho biết, khi cơ quan quản lý vẫn chưa có chế tài hiệu quả để xử lý tin nội gián thì hiện tượng tin nội gián bị rò rỉ sẽ vẫn tiếp tục.

Theo ông Thế, dựa vào nguyên lý: "Giá và khối lượng phản ánh tất cả", nhà đầu tư sẽ dễ dàng kiểm chứng tin đồn có sử dụng được hay không? Với các nhà đầu tư chưa thạo kỹ thuật cũng không quá khó để kiểm định tin đồn vì các công cụ phân tích kỹ thuật, các dữ liệu thị trường (trên các website) đều được công khai.

Ví dụ, khi nghe được tin đồn, nhà đầu tư nên theo dõi ngay lịch sử khối lượng giao dịch của cổ phiếu. Nếu thấy khối lượng giao dịch của cổ phiếu bỗng tăng liên tục trong những phiên giao dịch gần nhất (trong khi giá không tăng) thì đó là tín hiệu cảnh báo cổ phiếu có thể sẽ "có chuyện".

Về nguyên lý kỹ thuật, khi khối lượng giao dịch của cổ phiếu bỗng tăng liên tục một hay vài tuần so với trước đó, trong khi giá cổ phiếu không tăng thì hiện tượng này đang phản ánh cổ phiếu đang được tích lũy mạnh.

Khi đã xâu chuỗi được 2 hiện tượng song hành (tin đồn và khối lượng giao dịch tăng) này, nhà đầu tư đã có thể yên tâm đầu tư. "Để xác suất thành công cao hơn, nhà đầu tư có thể chọn những cổ phiếu đang hưởng lợi từ kinh tế vĩ mô.

Ví dụ với các cổ phiếu thép, bất động sản và tới đây là ngành xuất khẩu… Bởi với một thị phần tốt và tiếp tục phát triển, doanh nghiệp rất có khả năng có lợi nhuận đột biến. Hiện tượng tăng giá đột biến của các CP SJS, STL, GMD, VIS hay vài CP nhỏ như TS4, VNE, LGC… là những ví dụ điển hình trong thời gian qua!", ông Thế chia sẻ./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục