Căng thẳng giữa Mỹ và Ai Cập đã có phần hạ nhiệt

Căng thẳng Mỹ-Ai Cập lắng dịu sau khi Cairo cho phép các nhà hoạt động nước ngoài thuộc các tổ chức phi chính phủ rời khỏi nước này.
Ngày 1/3, căng thẳng giữa Mỹ với Ai Cập có phần lắng dịu sau khi Cairo cho phép các nhà hoạt động nước ngoài thuộc các tổ chức phi chính phủ (NGO) được rời khỏi nước này, tuy nhiên, Washington vẫn chưa đề cập đến gói viện trợ đang bị "treo" trị giá 1,5 tỷ USD cho Ai Cập.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng Mỹ "hài lòng khi các tòa án Ai Cập dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động NGO."

Bà Nuland cũng xác nhận thông tin rằng các nhà hoạt động NGO người Mỹ cùng các nhà hoạt động khác người Serbia, Đức, Na Uy và Palestine đã rời Ai Cập trong chuyến bay tối 1/3, một ngày sau khi Viện Kiểm soát Ai Cập dỡ bỏ lệnh cấm xuất nhập cảnh đối với những đối tượng vốn đang bị xét xử này.

Tuy nhiên, bà Nuland cho rằng việc các nhà hoạt động người Mỹ được rời Ai Cập không giải quyết được vụ việc pháp lý liên quan đến các NGO và Washington vẫn "rất lo ngại" về kết quả cuối cùng của tiến trình này.

Về vấn đề viện trợ của Washington cho Cairo, vốn bị nhiều nghị sĩ Mỹ cảnh báo xem xét lại nếu Ai Cập kiên quyết theo đuổi vụ xử các nhà hoạt động NGO, bà Nuland cho biết theo quy định, vào một thời điểm nào đó trong mùa Xuân này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đưa ra các xác nhận về tiến trình dân chủ ở Ai Cập có tiếp tục tiến triển tích cực hay không.

[Ai Cập "tố" tổ chức phi chính phủ hoạt động chính trị]

Quốc hội Mỹ đã thông qua 1,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ai Cập trong năm 2012, song trước hết Ngoại trưởng Hillary Clinton phải chứng thực được rằng các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự hiện nay của Ai Cập đang ủng hộ việc chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự.

Người phát ngôn Nuland không cho biết liệu động thái nói trên của Cairo có đủ để bà Clinton "bật đèn xanh" cho gói viện trợ này hay không.

Vụ việc pháp lý liên quan đến các NGO nước ngoài tại Ai Cập thời gian qua đã làm quan hệ giữa Cairo và Washington trở nên căng thẳng.

Tháng 12 năm ngoái, các thẩm phán với sự hỗ trợ của cảnh sát đã khám xét 17 văn phòng NGO tại Ai Cập, tịch thu nhiều máy móc thiết bị cũng như niêm phong các văn phòng này. Ủy ban điều tra khẳng định các NGO này đã hoạt động "không có giấy phép," "thuần túy về chính trị mà không có bất cứ liên quan nào tới hoạt động xã hội."

Ngày 26/2, Ai Cập đã mở phiên xét xử 43 công dân nước ngoài, trong đó có 19 công dân Mỹ, làm việc cho các NGO kể trên ở nước này, với cáo buộc những đối tượng này nhận các khoản tiền tài trợ bất hợp pháp.

Trong khi đó, giới truyền thông Ai Cập ngày 2/3 tỏ ra giận dữ, cáo buộc chính quyền quân sự đã nhượng bộ trước sức ép từ Mỹ, dỡ bỏ lệnh cấm xuất nhập cảnh để nhóm nhà hoạt động NGO nước ngoài thoát phiên tòa xét xử.

Nhật báo An-Tahrir giật tít: "Vụ bê bối. Dưới mệnh lệnh của quân đội, tòa án đã thả những người Mỹ và cho phép họ rời Ai Cập." Theo báo này, chỉ trong vòng 24 giờ, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) đã cho thế giới thấy rằng "chỉ là ảo tưởng khi nói về độc lập tư pháp ở Ai Cập." Tờ "Al-Akhbar" thân chính phủ cũng phải thừa nhận những động thái mới nhất là "kỳ lạ và đáng tiếc"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục