Tích cực chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 7 dự án luật.
Sáng 27/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết các cơ quan hữu quan đã và đang tích cực chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.

Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 7 dự án luật nhưng thay dự án Luật đô thị bằng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Các nội dung về kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước, các báo cáo giám sát chuyên đề và các báo cáo khác đang được chuẩn bị, dự kiến trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 7 hoặc thứ 8 (đầu tháng 5/2012).

Riêng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thống nhất chủ trương xây dựng Đề án và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp, tiếp thu ý kiến của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án trình Quốc hội. Hiện nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này; trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án sẽ tiếp thu, chỉnh lý để sớm gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, sau đó tổng hợp báo cáo lại Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8.

Chủ trì buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là kỳ họp tuy có số lượng các dự án luật trình Quốc hội thông qua lớn nhưng có điểm thuận lợi là cả 13 dự án luật đều đã được cho ý kiến, bàn thảo khá kỹ tại kỳ họp thứ 2.

Đối với 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên thứ sáu và dự kiến những dự án còn lại sẽ được cho ý kiến tại phiên thứ 7 tới. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết quan trọng như Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; một số cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội…

Bàn về nội dung biểu quyết những vấn đề quan trọng của dự thảo luật sau khi được Quốc hội cho ý kiến, làm định hướng cho việc tiếp thu, chỉnh lý thông qua tại kỳ họp sau, đa số ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cần cân nhắc, xem xét thận trọng vấn đề này. Các ý kiến cho rằng chỉ nên biểu quyết khi vấn đề đó đã thảo luận kỹ lưỡng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh tới sự cần thiết có báo cáo tổng hợp trình Quốc hội sau khi kết thúc phần thảo luận ở tổ chuyển sang thảo luận tại Hội trường. Đại biểu đề nghị Báo cáo này cần được ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật phối hợp hoàn thiện. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ tiếp thu ý kiến này và triển khai trong kỳ họp thứ 3 tới.

Một số đại biểu đề nghị tại kỳ họp tới Chính phủ cần báo cáo thêm một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm, mở rộng thêm một số nội dung được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Theo chương trình, buổi chiều Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật lao động (sửa đổi)./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục