Khổ vì các dự án titan

Bình Định: Dân khổ vì các dự án khai thác titan

Lấy lý do tận thu, Bình Định cấp thêm 25 dự án khai thác-thăm dò titan, kéo theo hàng loạt hệ lụy về môi trường và cuộc sống của dân.
Với 29 dự án, công suất khai thác titan năm 2009 của tỉnh Bình Định là 620.000 tấn/năm, vượt sản lượng khai thác theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Đi sau công suất khai thác khổng lồ này là hàng loạt hệ lụy về môi trường và cuộc sống của nông dân vì những doanh nghiệp được giao dự án chỉ tập trung đào titan để thu lãi.

Một xã “cõng” 10 mỏ titan

Trên cơ sở bản đồ khảo sát trữ lượng titan hay còn gọi là cát đen phân bố dọc tuyến biển miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cấp 5 giấy phép khai thác và thăm dò cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quy trình khai thác đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 13/7/2007.

Thế nhưng đến cuối năm 2009, lấy lý do tận thu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã cấp thêm 25 dự án khai thác và thăm dò titan với quy mô diện tích cũng như trữ lượng khác nhau.

Theo chân một cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Phù Mỹ, chúng tôi đến xã Mỹ Thành, nơi có 10 mỏ titan đã được cấp phép khai thác hoặc đang được đề nghị cấp phép khảo sát trữ lượng.

Đây là nơi phát sinh những phản ánh của người dân về cách khai thác titan kiểu đào cho bằng hết dưới các tán rừng phi lao phòng hộ ven biển, nơi có những con đường giao thông liên xã, đường ven biển vừa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp nhưng đã bị hàng ngàn lượt xe chở cát đen vượt tải trọng băm nát.

Những đồi cát ven biển sau khi mất rừng, bị đào bới để tận thu quặng titan thì người dân đối mặt với hiện tượng cát bay. Số doanh nghiệp tuân thủ việc trồng lại rừng theo quy chuẩn, hoàn thổ phục hồi môi trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hệ lụy về môi trường

Những nông dân sống ven các mỏ titan ngày đêm lo lắng cho sức khỏe của mình vì bụi cát, tiếng ồn, mùi hôi, nguồn nước bị nhiễm bẩn cũng các hệ lụy khác.

Con đường liên xã bị xuống cấp nặng nề, nhiều đoạn mặt đường bị đùn lên do vết bánh xe tải nặng chở titan qua lại với mật độ cao; bụi mù mịt che khuất cả tầm nhìn.

Càng vào sâu về phía biển, đường càng xấu, bụi càng dày. Tuy nhiên ngoài bụi thì còn có những mùi lạ khác đang ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Xung quanh khu vực nhà máy nhà máy chế biến sâu titan được xem là hiện đại nhất do Công ty cổ phần Sài Gòn-Quy Nhơn đầu tư trên diện tích 10ha, với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 500 tỷ đồng, ngoài bụi đất do các chuyến xe chở titan gây ra, người dân còn phản ánh mùi hôi khét do phụ liệu là nhựa đường được được trộn vào trong quá trình chế biến quặng titan.

Điều này được ông Đặng Văn Hợp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Thành xác nhận là có thật vì đầu tháng 1/2010, chính quyền xã đã chủ trì cuộc họp để giải quyết kiến nghị của người dân vì mùi hôi phát sinh trong quá trình hoạt động của nhà máy chế biến sâu titan.

Các cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị Công ty cổ phần Sài Gòn-Quy Nhơn phải tìm chất phụ gia khác thay cho nhựa đường hoặc phải thay đổi dây chuyền chế biến sâu titan để hạn chế mùi hôi phát tán ra môi trường.

Đem những bức xúc này trao đổi cùng ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ, chúng tôi nhận được phản hồi rằng, với 20 dự án, lượng titan khai thác rất lớn nhưng năm 2009, với mức thuế tài nguyên khoảng 50.000 đồng/tấn, huyện chỉ được chỉ khoảng 5 tỷ đồng. Trong khi đó hạ tầng giao thông của huyện bị hư hỏng rất nhanh do phải cõng lượng xe chở titan quá tải ra vào các mỏ.

Hầu hết diện tích khai thác titan là rừng phi lao phòng hộ ven biển, rừng sản xuất ngăn cát bay. Các khu vực sau khi khai thác titan xong thì xuất hiện việc cát bay nhiều hơn ngày xưa khi còn rừng.

Huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp sau khi khai thác xong phải trồng rau muống biển hoặc tưới nước để ngăn cát bay trên những phần đồi cát có mỏ titan đã đào xong. Tuy nhiên đây là vấn đề khó vì nhiều doanh nghiệp chỉ gấp rút lo đào titan để tận thu loại khoáng sản có giá cao này trong thời gian ngắn nhất./.

Hoàng Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục