Thịt lợn bị giảm giá mạnh do thông tin chất tạo nạc

Sau khi báo chí đưa tin phát hiện chất cấm có tác dụng tạo nạc trên lợn nuôi, giá lợn hơi ở một số tỉnh phía Nam liên tiếp giảm.
Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin phát hiện một lượng lớn chất cấm có tác dụng tạo nạc trên lợn nuôi và Trung Quốc ngưng nhập thịt lợn từ Việt Nam, giá lợn hơi tại một số tỉnh phía Nam liên tiếp giảm, từ mức 52.000 đồng/kg xuống còn 42.000-44.000 đồng/kg.

Hiện giá lợn hơi tại An Giang ở mức 46.000-48.000 đồng/kg, Bến Tre là 45.000-46.000 đồng/kg, giảm khoảng 4.000- 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng Ba.

Riêng tại Đồng Nai là địa phương có đàn lợn lớn nhất nước giá thịt lợn đã giảm từ mức trên 52.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 42.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, lợn hơi loại ngon mới có giá 46.500 đồng/kg, loại mỡ chỉ được khoảng 43.000 đồng/kg, thịt lợn pha mảnh cũng giảm khoảng 5.000 đồng/kg.

Với mức giá hiện nay, chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thực phẩm dư thừa làm thức ăn chăn nuôi mới có lãi, còn với các hộ nuôi theo quy mô công nghiệp chắc chắn lỗ vì giá thành nuôi lợn công nghiệp hiện lên tới 50.000-52.000 đồng/kg.

Hầu hết các bà nội trợ ở Thành phố Hồ Chí Minh - thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất phía Nam - khi được hỏi về vấn đề này đều cho biết, từ khi có thông tin trên báo chí là thịt lợn nhiễm chất tạo nạc và đây là chất cấm có thể gây ung thư thì không dám mua thịt lợn nữa mà chuyển sang mua các loại thủy, hải sản, thịt bò.

Chị Na, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thanh Đa, cho biết: "Trước đây, bình quân một ngày sạp của chị bán từ 130 đến 150 kg thịt lợn các loại, nhưng nay giá thịt lợn các loại cũng giảm từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, lượng thịt bán ra chưa đầy 100kg/ngày, hầu như ngày nào cũng phải bán đến chiều muộn. Không những vậy, người mua kiểm tra thịt kỹ càng hơn, nếu như trước đây càng nhiều nạc bán càng dễ thì nay ngược lại, nạc nhiều bị nghi ngờ, người mua có xu hướng lựa chọn những miếng thịt có thêm lớp mỡ."

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thừa nhận có cơ sở chăn nuôi sử dụng chất tăng trọng, chất cấm nhưng theo ông là trên thực tế không nhiều; song sau khi rộ lên những tin tức như nói trên thì người tiêu dùng có tâm lý không muốn sử dụng thịt lợn trong các bữa cơm hàng ngày.

Do vậy, ông Công kiến nghị, để tránh trường hợp một số ít trang trại chăn nuôi sử dụng chất tăng trọng làm ảnh hưởng đến nhiều người chăn nuôi khác thì Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp mạnh đối với các cơ sở, trang trại chăn nuôi sử dụng chất cấm, giảm bớt những cơ sở chăn nuôi, thậm chí là đóng cửa, để giúp những người chăn nuôi làm ăn chân chính có thể sống được bằng nghề./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục