Moody's giảm mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Moody's hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của VN với lý do tồn tại yếu kém trong hệ thống ngân hàng có thể tác động đến tăng trưởng.

Ngày 28/9, Moody's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Việt Nam với lý do tồn tại những yếu kém trong hệ thống ngân hàng có khả năng tác động đến sự tăng trưởng.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này đã hạ xếp hạng của Việt Nam từ "B1" xuống "B2" và đặt mức triển vọng "ổn định."

Moody's cũng hạ trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ "B2" xuống "B3."

Trong khi đó, Standard & Poor’s  xếp hạng tín dụng của Việt Nam ở mức BB- và Fitch là B-, và cả hai đều giữ triển vọng của Việt Nam ở mức ổn định.

 

Xếp hạng tín dụng của Moody’s cũng là mức xếp hạng thấp nhất trong 3 tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới khi thấp hơn 2 bậc so với xếp hạng của S&P và thấp hơn 1 bậc so với của Fitch.

Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam có xu hướng cải thiện sau từng quý, quý sau cao hơn quý trước. GDP quý 1 tăng 4%, quý 2 tăng 4,66%, quý 3 ước tăng 5,35%. Tính chung GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 4,73%./

Tuy nhiên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào ngày 27/9, các thành viên Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại, tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng; tình trạng nợ xấu ngân hàng chậm được giải quyết; thị trường tài chính, tiền tệ còn phức tạp; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm…

 

Phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro. Ở trong nước, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm có thể sẽ cao hơn so với những đầu năm do những tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục