Hải Dương báo động xâm phạm hệ thống thủy lợi

Tình trạng xâm phạm hệ thống thủy lợi tại Hải Dương đang ở mức báo động, với 2.903 hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình.
Tình trạng xâm phạm hệ thống công trình thủy lợi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang ở mức báo động, với 2.903 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; 414 vi phạm xả thải khi chưa có giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định.

Vi phạm tràn lan, phức tạp và nghiêm trọng

Trong số hơn 2.900 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương thống kê, có 947 trường hợp vi phạm làm nhà, lều quán; 1.350 trường hợp vi phạm hành lang; 559 trường hợp vi phạm làm cầu; 47 trường hợp lấn chiếm lòng kênh, thả đăng đó, đắp đập.

Còn trong hơn 400 trường hợp vi phạm xả thải, có 208 doanh nghiệp, 22 tổ chức và 184 cá nhân. Con số vi phạm lớn đối lập với con số ít ỏi 10 trường hợp được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi.

Tại huyện Bình Giang hiện có khoảng 200 trường hợp vi phạm hành lang công trình thủy lợi, chủ yếu xây dựng lều quán bán hàng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, xây cầu cống, thả đăng đó, làm cản trở dòng chảy.

Trên trục chính dẫn nước trạm bơm cầu Sộp, nhiều hộ dân ngang nhiên cắm cọc tre đổ cát san lấp lấn chiếm lòng kênh. Khu vực bờ sông Kim Sơn, nhiều hộ dân đã tự ý san lấp, đổ rác thải lấn chiếm tới 2/3 lòng sông, không chỉ gây ách tắc dòng chảy, mà còn mất an toàn giao thông đường thủy.

Tại huyện Gia Lộc và thành phố Hải Dương, vi phạm hành lang công trình thủy lợi của nhiều hộ dân đã diễn ra âm ỉ từ lâu, nhưng địa phương không xử lý được triệt để. Chỉ tính trên tuyến sông Thạch Khôi-Đoàn Thượng, người dân đã tự phát xây dựng hơn 200 cây cầu dân sinh lớn nhỏ, ngăn cản dòng chảy và tiêu thoát nước.

Trên địa bàn huyện Thanh Miện, nhiều vi phạm nghiêm trọng, tồn tại trong một thời gian dài trên các tuyến kênh dẫn, sông như đổ cọc bêtông, xây tường trên mái cống Ba Đa (sông Hồng Quang); xây tường chắn lên mái kè bờ hữu, cống ngã tư Neo, làm nhà cấp 4, xây tường bao dưới lòng kênh dẫn Hoàng Tường ở xã Tân Trào. Riêng kênh dẫn vào trạm bơm Thanh Giang dài khoảng 2 km, có khoảng 30 hộ dân lấn ra dòng kênh, làm nhà trên kênh, làm thu hẹp, cắt ngang lòng kênh, khiến ngành thủy lợi không chủ động được nước tưới.

Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm công trình thủy lợi

Theo Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Hải Dương Trần Duy Trinh, việc hành lang công trình thủy lợi đang bị xâm hại nghiêm trọng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống lụt bão và khâu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nhiều địa phương do không xử lý dứt điểm, nên người dân chây ì, vi phạm cũ chưa xử lý kịp, vi phạm mới đã xảy ra.

Để ngăn chặn, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi tại các địa phương đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản, nhưng do không có chức năng xử phạt nên vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp.

Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương cũng đã có công văn đề nghị các địa phương tăng cường giải quyết các vi phạm cũ, kiên quyết ngăn chặn các vụ vi phạm mới.

Tuy nhiên, số địa phương thực sự vào cuộc chưa nhiều, mới chỉ có huyện Thanh Hà mạnh tay trong xử lý vi phạm công trình thủy lợi, khắc phục được tình trạng lấn chiếm ở kênh Bá Nha-Thuần (xã Thanh Bính) giải tỏa khoảng 2km kênh bị 75 hộ dân lấn chiếm trồng cây ăn quả và dựng quán bán hàng, khơi thông dòng chảy cho kênh.

Để tăng cường xử lý vi phạm công trình thủy lợi, mới đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương Nguyên Hữu Dương đã có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty cổ phần Quản lý Công trình đô thị Hải Dương thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ công trình thủy lợi.

Sở yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện ngăn chặn kịp thời các vi phạm mới, có phương án từng bước xử lý các vi phạm cũ; thường xuyên kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc xả thải ra các công trình thủy lợi phải có giấy phép. Đối với các vi phạm nghiêm trọng hoặc các vi phạm cấp xã không xử lý được, ủy ban nhân dân cấp huyện kịp thời có quyết định và tổ chức xử lý theo quy định pháp luật.

Đối với các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, phối hợp với ủy ban nhân dân các cấp nơi có xảy ra vi phạm xử lý và áp dụng các biện pháp cần thiết để khôi phục hiện trạng ban đầu của công trình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tích cực vận động tuyên truyền để người dân tự giác tháo dỡ các công trình xâm lấn, trả lại hành lang cho các công trình thủy lợi./.

Trần Tiến Duẩn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục