Nặng lòng với Nam Cực

Trò chuyện với người nặng lòng với Nam Cực

"Chậm triển khai nghiên cứu, chiếm lĩnh địa cực, Việt Nam sẽ không có vị thế nào tại đây trong tương lai," TS Doãn Đình Lâm chia sẻ.
Trở về Việt Nam sau gần một tháng tới Nam Cực để nghiên cứu, Tiến sĩ Doãn Đình Lâm, Trưởng phòng Trầm tích (Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đau đáu một nỗi niềm: “Phải khẳng định vị thế của Việt Nam tại cực Nam Trái Đất.”

Bên cạnh công việc thường ngày, ông vẫn thường xuyên  liên lạc với các đồng nghiệp của các nước trong Diễn đàn châu Á về khoa học địa cực (Asian Forum for polar Science-AFoPS), để cập nhật tin tức và hy vọng Việt Nam sẽ thành lập một nhóm nghiên cứu địa cực (cực của Trái Đất).

“Cơ duyên” với địa cực

Tôi biết Tiến sĩ Doãn Đình Lâm trong một lần tìm đến các nhà khoa học địa chất để hỏi về hiện tượng “Hố địa ngục.” Câu chuyện vào mạch, vô tình tôi được biết ông là nhà khoa học nặng lòng với Nam Cực – một nơi mà chỉ nhắc tới thôi đã thấy xa xôi lắm...

Lần sau gặp lại, trong căn phòng nhỏ tại tầng 4 của Viện Địa chất, ông Lâm đang bận rộn với những mẫu vật là những hòn đá cuội thu thập từ các miền khác nhau của đất nước. Thấy “khách quen,” ông bảo đợi rồi lại tiếp tục với công việc đang dang dở của mình. Một lúc sau, ông ngừng công việc và tiếp chuyện với khách.

Tiến sĩ Doãn Đình Lâm kể rằng, câu chuyện đến Nam Cực của ông hồi tháng Một năm 2010 bắt nguồn từ một chữ “duyên.” Năm 2008, có một nhà khoa học Hàn Quốc là Giáo sư, Tiến sĩ Kim Young Lee công tác tại Đại học Tổng hợp Seoul tới Việt Nam tham dự Hội thảo khoa học về trầm tích Creta. Vốn là dân địa chất, chuyên nghiên cứu về trầm tích nên ông Lâm và vị giáo sư này tỏ ra khá hợp nhau trong nhiều quan điểm khoa học.

Giữa năm 2008, Giáo sư Kim Young Lee đã gửi thư tới Tiến sĩ Lâm, thông báo rằng Viện Nghiên cứu cực Hàn Quốc có nhã ý muốn mời một nhà địa chất của Việt Nam tham gia nghiên cứu địa cực (có thể là Nam hoặc Bắc cực). Ông Lâm đã đồng ý tham gia chương trình này.

Cuối năm 2008, Giáo sư Kim Yedong-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cực Hàn Quốc và một cộng sự đã tới thăm và làm việc tại Viện Địa chất (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Đầu tháng 12/2008, ông Lâm nhận được thư mời tham gia chuyến khảo sát Bắc cực từ Viện Nghiên cứu cực Hàn Quốc. Nhưng do thời gian quá gấp không thể xin visa vào Na-Uy được nên ông Lâm đành phải từ chối với sự tiếc nuối vô hạn.

Tưởng chừng cơ hội đến địa cực tiêu tan, thì cuối 2009, Tiến sĩ Doãn Đình Lâm lại nhận được lời mời của Viện trưởng Viện Nghiên cứu cực Hàn Quốc tham gia chuyến khảo sát mùa hè tại Nam cực. Và, lần này thì cho dù đang rất bận với một đề tài cấp Nhà nước, ông Lâm vẫn quyết định thu xếp mọi công việc để lên đường. Trong hành lý của mình ông đã mang theo lá cờ Tổ quốc.

Ngày 16/1/2010, sau năm ngày di chuyển trên quãng đường hàng ngàn kilômet, Tiến sĩ Doãn Đình Lâm lần đầu tiên đặt chân đến Trạm Nghiên cứu Nam cực của Hàn Quốc (trạm Sejong station tại đảo King George). Tại đây, ông khá ngạc nhiên khi thấy điều kiện sống của các nhà khoa học không hề thiếu thốn. Họ sống trong các nhà “container”, năng lượng được cung cấp bằng máy phát điện chạy quanh năm, có cả internet, điện thoại…..

Những ngày ở Nam cực, ông Lâm đã được làm quen với công tác nghiên cứu ở Trạm Nghiên cứu Nam cực của Hàn Quốc. Cùng với các nhà khoa học Hàn Quốc, ông đã đi khảo sát địa chất, địa mạo, nghiên cứu cấu trúc địa chất và lịch sử phát triển địa chất tại đảo King George.

Trở về nước ngày 8/2/2010, ngoài kiến thức thu lượm được, ông Lâm mang theo hơn 30kg mẫu vật địa chất, địa y để nghiên cứu. Ông cũng cho hay, những mẫu vật này sẽ được đưa vào trưng bày tại một số bảo tàng như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoặc Bảo tàng Địa chất của Cục Địa chất và Khoáng sản... phục vụ công tác trưng bày.

Việt Nam nên nghiên cứu về địa cực

Thật ra, kể từ năm 2008, khi gặp Giáo sư Kim Yedong, Tiến sĩ Doãn Đình Lâm, với vốn kiến thức của mình về trầm tích đã tìm hiểu về Nam cực. Qua “cầu nối” này, trong hai năm liên tiếp (2008 và 2009), ông đã được Diễn đàn châu Á về khoa học địa cực (gồm 5 nước thành viên Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ) mời tham dự Hội nghị trao đổi kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu địa cực tại Seoul (2008) và Thượng Hải (2009).

Qua tìm hiểu, nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu địa cực, ông Lâm đã viết Dự án Nghiên cứu địa cực nhằm xúc tiến thành lập Nhóm nghiên cứu địa cực ở Việt Nam. Ông hy vọng, nhóm này sẽ là tiền đề cho việc mở rộng, thành lập Trạm nghiên cứu địa cực của Việt Nam trong tương lai.

Trong đề án của mình, ông Lâm viết, Nam Cực là vùng đất giàu tài nguyên về khoáng sản, nhất là tiềm năng băng cháy [giống như cồn khô – PV], dầu mỏ, đá quý và kim loại quý hiếm…

Cũng vì lý do này, hiện đã có tới trên 60 quốc gia đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học tại Nam Cực. Tuy nhiên, hiện nay vùng Nam Cực đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi Công ước của Antarctic Treaty. Công ước này cấm mọi hoạt động quân sự, khai thác khoáng sản tại đây cho tới năm 2041.

Theo Tiến sĩ Lâm, “Nếu Việt Nam chậm chân trong vấn đề triển khai nghiên cứu, chiếm lĩnh địa cực thì sẽ không có vị thế nào tại đây trong tương lai. Ngoài ra, nghiên cứu địa cực không chỉ tìm hiểu, khám phá điều kiện tự nhiên, tài nguyên mà còn thể hiện sức mạnh của quốc gia trong khu vực.”

Thế nhưng, do vấn đề kinh phí nên cho đến nay đề án này chưa đượcchấp thuận. Mặc dù đề án mà ông Lâm đã trình thì số kinh phí tối thiểu hàng năm cần có để có thể triển khai các hoạt động của Nhóm Nghiên cứu cực ở Việt Nam chỉ khoảng 1,5- 2 tỷ đồng. Số tiền này dùng để chi trả vé máy bay, đi lại ăn ở tại khách sạn cho các thành viên đến địa cực nghiên cứu… Còn tiền ăn, ở của các nhà khoa học tại các trạm nghiên cứu địa cực có thể được trợ giúp từ bạn bè trong nhóm AfoPS.

“Các thành viên của AFoPS cũng rất mong muốn Việt Nam trở thành thành viên của họ. Và nếu chúng ta có ý định, thì họ sẽ sẵn lòng giúp đỡ,” ông Lâm nói.

Cho đến nay, đề án của ông Lâm vẫn nằm đâu đó, chưa được chấp thuận. Về phần mình, ông vẫn giữ liên lạc với các thành viên của AFoPS để cập nhật tin tức về hoạt động nghiên cứu địa cực. Ông kỳ vọng rằng Việt Nam sớm có những quyết sách đúng đắn về địa cực để có thể triển khai các hoạt động nghiên cứu tại vùng đất nhiều tiềm năng này.

Độc giả có thể xem chùm ảnh Nam Cực của Tiến sĩ Doãn Đình Lâm tại đây./.
Tiến sĩ Doãn Đình Lâm sinh năm 1952. Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư địa chất tại Đại học Taskent (Liên Xô cũ) năm 1976 và về nước và công tác tại Viện Địa chất, Viện KH&CN Việt Nam từ đó đến nay.

Năm 1994-1996, ông học Thạc sĩ tại trường ĐHTH Vrije Brussel, Vương Quốc Bỉ và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 2003 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2003-2004, ông sang Đài Loan thực tập sau tiến sĩ.

Năm 2005 Tiến sĩ Doãn Đình Lâm đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học & Công nghệ, với cương vị là đồng tác giả của Tập bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam./.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục