ADB: Hiện đại hóa nông trại là đảm bảo lương thực

Theo ADB, hiện đại hóa nông trại là nhân tố quan trọng cho kiểm soát giá cả và đảm bảo an ninh lương thực châu Á trong tương lai.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo nghiên cứu “Cuộc cách mạng thầm lặng trong các chuỗi giá trị lương thực,” trong đó nhận định rằng hiện đại hóa nông trại là nhân tố quan trọng cho khả năng kiểm soát giá cả và đảm bảo an ninh lương thực châu Á trong tương lai.

Phát biểu tại buổi công bố nghiên cứu - do ADB phối hợp với Viện Ngiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) thực hiện trên cơ sở tiến hành phân tích các chuỗi cung ứng gạo và khoai tây ở Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc kể từ sau cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008 - kể trên, Phó Chủ tịch ADB phụ trách quản lý tri thức và phát triển bền vững, ông Bindu Lohani nhấn mạnh rằng châu Á sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn trong đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực cho 5 tỷ người vào năm 2030.

Ông Bindu Lohani nêu rõ sự gia tăng dân số và thu nhập của người tiêu dùng, suy giảm các nguồn vật lực và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục là những nhân tố gây áp lực tăng giá lương thực, đòi hỏi phải có sự cải thiện sâu rộng để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm đầy đủ với giá cả phải chăng.

Nghiên cứu trên chỉ ra rằng việc hiện đại hóa nhanh chóng các chuỗi cung ứng thực phẩm ổn định ở châu Á đã cho phép nông dân tăng cường kiểm soát những gì họ sản xuất và những khách hàng mua sản phẩm của họ. Động thái này đã diễn ra mạnh mẽ, nhất là ở Trung Quốc, với việc các nhà máy xay xát gạo hiện đại mua trực tiếp nông sản ngày càng nhiều hơn từ nông dân không qua khâu trung gian. Ở Ấn Độ, sự phổ biến các cơ sở lưu giữ hiện đại đã đảm bảo cung cấp khoai tây quanh năm cho người tiêu dùng với mức giá có lợi hơn cho nông dân.

Tuy nhiên, nghiên cứu lưu ý rằng chi phí năng lượng, lao động và đầu vào như phân bón và hạt giống vẫn còn đáng kể, và chi phí này có thể nhanh chóng chuyển vào giá thưc phẩm bán lẻ. Chẳng hạn, ở Newdelhi (Ấn Độ) và Dhaka, Bangladesh chi phí điện năng chiếm khoảng 75% chi phí lưu giữ trong kho, khiến giá khoai tây dễ bị tác động bởi sự thay đổi giá năng lượng.

Sự chuyển đổi chuỗi giá trị là rất quan trọng để đảm bảo giá thực phẩm phải chăng tại các thành phố của châu Á - nơi ở của một nửa dân số khu vực và điều này đòi hỏi an ninh lương thực phải là ưu tiên trọng tâm và hàng đầu trong chương trình chính sách của các quốc gia trong thế kỷ 21.

Chuyên gia cấp cao IFPRI, ông Bart Minten, một trong những tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh rằng những thay đổi về nhu cầu lương thực, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa và thu nhập gia tăng của người tiêu dùng, đem lại những cơ hội quan trọng cho phát triển nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo nông thôn ở châu Á./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục