Không hoãn xét xử vụ PMU 18 vì vắng nhân chứng

Tòa bác đề nghị của luật sư xin hoãn phiên xử do vắng mặt quá nhiều nhân chứng, đơn vị và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.
Ngày 28/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước và lợi dụng chức vụ quyền hạn xảy ra tại PMU 18.

Nguyên Tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng ra hầu tòa cùng bốn đồng phạm là Vũ Mạnh Tiên (Phó Chánh văn phòng PMU 18), Lê Thị Thanh Hòa (Phó phòng PID 6), Nguyễn Thanh Sơn (Phó phòng PID 6) và Bùi Thu Hạnh (Phòng tài chính kế toán, em gái bị cáo Dũng).

Bùi Tiến Dũng là bị cáo duy nhất bị tạm giam và bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165-BLHS). Bốn bị cáo còn lại đều được tại ngoại và cùng bị xét xử về tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281-BLHS).

Tại phiên tòa, nhiều nhân chứng, đơn vị và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan bị triệu tập cũng như một số cơ quan được Tòa mời đến tham dự đã không có mặt. Các luật sư bào chữa cho năm bị cáo đã đề nghị tòa hoãn phiên xử do "vắng mặt quá nhiều nhân chứng có thể nói lên hành vi của các bị cáo có sai phạm hay không."

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử tuyên bố tiếp tục xét xử bình thường và "trong ba ngày xét hỏi, tòa sẽ triệu tập hoặc cần thiết sẽ công bố lời khai."

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, trong thời gian đương nhiệm (1998-2005), Bùi Tiến Dũng lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã cho mượn sử dụng sai mục đích bảy ôtô. Bản thân ông Dũng sử dụng không đúng quy định tiêu chuẩn định mức hai ôtô. Theo kết luận giám định, việc cho mượn xe của ông Dũng đã gây thiệt hại gần 2,7 tỷ đồng.

Các bị cáo Tiên, Hòa, Sơn, Hạnh bị Viện kiểm sát cáo buộc trong quá trình thực hiện dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đã yêu cầu Ban điều hành các gói thầu ký khống hợp đồng thuê nhà, thuê trụ sở, thuê ôtô, lập bảng lương khống chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng...

Cụ thể, bị cáo Tiên chiếm hưởng cá nhân gần 300 triệu đồng. Bị cáo Hòa cùng chồng Phạm Tiến Dũng (trưởng phòng kinh tế kế hoạch PMU 18, đã chết trong quá trình tạm giam) thu lợi tổng cộng hơn 500 triệu đồng. Bị cáo Sơn “tư túi” trên 220 triệu đồng và bị cáo Hạnh cầm 53 triệu đồng.

Trong phiên xử buổi chiều, Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn làm rõ hành vi sai phạm của các bị cáo trong việc cho mượn xe ôtô sai nguyên tắc. Các đơn vị sử dụng xe gồm Công an quận Đống Đa, Công an quận Thanh Xuân, Công an quận Cầu Giấy, Ban quản lý hạ tầng Tả Ngạn và công đoàn ngành giao thông vận tải.

Về nội dung trên, bị cáo Dũng khai, do thời điểm đó, xe của dự án PMU 18 rất nhiều, trong khi các kho bãi để lưu giữ chưa được bố trí nên việc thanh lý, giải quyết đều chậm trễ, ông đã quyết định cho một số đơn vị mượn.

Ông Dũng cho rằng, việc ông cho mượn xe không có gì sai, bởi việc này không vì mục đích riêng tư mà còn có lợi chung cho nhà nước. Đến khi bị Tòa hỏi vặn lại: "Có văn bản nào của Nhà nước quy định Tổng Giám đốc có thể điều động, cho mượn được tài sản?” ông Dũng mới lúng túng chống chế: "Đây không phải là điều động hẳn cho một cơ quan nào mà chỉ cho mượn. Thực tế thì không có văn bản nào quy định Tổng giám đốc được cho mượn cả."

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong ba ngày./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục