Bỏ tử hình cứu ngân sách

Mỹ sẽ bỏ án tử hình vì “thương”… ngân sách?

Các nhà hoạt động nhân quyền Mỹ kiến nghị bãi bỏ án tử hình, không phải vì nhân đạo mà để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Các nhà hoạt động nhân quyền Mỹ vừa kiến nghị bãi bỏ án tử hình, không phải vì lý do nhân đạo mà để giữ cho ngân sách nhà nước khỏi thâm thủng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế.

Hình phạt... xa xỉ


Tờ Christian Science Monitor dựa vào các con số do tổ chức phi chính phủ Mỹ DPIC cung cấp để kết luận rằng bỏ án tử sẽ tiết kiệm cho ngân sách quốc gia hàng trăm triệu USD. Số tiền này tốt hơn nên được dùng vào việc truy lùng những tên tội phạm còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. DPIC chính là Trung tâm Thông tin về án tử hình.

Theo tờ báo trên, sáng kiến của các nhà hoạt động nhân quyền được củng cố bởi chứng cứ thời sự và hết sức thuyết phục là hình phạt cao nhất quá xa xỉ trong thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mỗi phán quyết kiểu này tại Mỹ lấy từ túi người đóng thuế hàng chục triệu USD.

Tại bang North Carolina ngoài tiền ngân sách, mỗi án tử hình ở đây còn "cõng" thêm 300.000 USD. Nếu nhân số tiền này lên quy mô toàn quốc thì khoản chi phí thêm thắt lên đến gần 150 triệu USD/năm. Các bang Maryland, Florida, California còn chi nhiều hơn cho án tử hình.

Theo DPIC, hiện tại Mỹ chi 137 triệu USD mỗi năm để nuôi tử tù và thi hành án. Còn nếu bỏ án tử hình thì việc nuôi chung thân cũng các tù nhân đó chỉ tốn 11,5 triệu USD/năm. Sự chênh lệch này nằm ở chi phí bảo vệ, bảo đảm hoạt động của các cấp tòa án vốn phải đương đầu với những lá đơn kháng án kéo dài nhiều năm.

Trong 9 năm, New York đã chi 170 triệu USD cho các thủ tục pháp lý về án tử hình và sau đó bang này phải từ bỏ hình phạt... xa xỉ đó.

Theo Infox.ru, hiện tại ở Mỹ chỉ có 35 trong tổng số 50 bang áp dụng án tử hình nhưng về mặt chính thức thì chỉ New Mexico và New Jersey đã kiên quyết loại trừ hình phạt cao nhất này. Trong thập kỷ qua số án tử hình được tuyên mỗi năm giảm gần 1/3, từ 300 vụ xuống còn 115 vụ. Các vụ thi hành án tử hình cũng đi theo chiều hướng này. Dần dà, các nhà tù chật ních phạm nhân mang án tử hình đang chờ đến “ngày tàn”. Hiện tại con số này là 3.300 người.

Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2008 ở Mỹ vẫn có 37 án tử hình được thi hành.

Không giết mà truy bắt

Richard Dieter - Giám đốc DPIC cho rằng các thủ tục quan liêu giấy tờ để thi hành án tử hình từ lâu đã trở thành “những thứ rườm rà, tốn kém vô nghĩa”. 

Nước Mỹ, do phải chi ra nhiều triệu USD cho mỗi án tử hình đang đối mặt với sự kho khăn nghiêm trọng về tài chính trong lĩnh vực pháp lý: Các quan tòa buộc phải xét xử cho nhanh hoặc ngược lại, trì hoãn việc xét xử.

"Số tiền chi cho án tử hình lẽ ra được đầu tư cho việc tăng lượt xe cảnh sát tuần tiễn trên đường phố thì tốt hơn", một cảnh sát ở New Jersey phát biểu.

Trong vòng 25 năm, bang này chi cho án tử hình 250 triệu USD. Trong khi đó, án tử hình chưa hẳn là biện pháp hữu hiệu để "răn đe" bọn tội phạm. Kể từ khi chính quyền New Jersey bỏ án tử hình (năm 2007) số vụ giết người tại đây đã giảm xuống.

Các nhà hoạt động nhân quyền còn lưu ý một hiểm họa nữa: Nếu kinh phí cho các thủ tục chống án bị siết lại vì mục tiêu tiết kiệm thì sẽ làm tăng nguy cơ người lương thiện bị xử oan.

Các nhân viên của DPIC đã tham khảo ý kiến của hơn 500 trưởng phòng cảnh sát trên khắp nước Mỹ và nhận được kết quả: 57% nói rằng tử hình không phải là biện pháp trừng phạt có hiệu quả nhằm giảm tội phạm. Những người được hỏi đề xuất việc tạo ra chỗ làm mới, giữ phạm nhân lâu hơn trong tù, kiểm soát kỹ hơn việc công dân sử dụng ma túy và rượu, cải thiện công tác điều tra, tạo ra cơ sở dữ liệu mới…

Tuy nhiên, xã hội Mỹ chưa chín muồi cho việc bỏ án tử hình. Kết quả một cuộc thăm dò của Viện Gallup cho thấy chỉ có 30% những người được hỏi tán thành việc bỏ án tử hình, 64% vẫn ủng hộ nguyên tắc “lấy mạng trả mạng” theo truyền thống./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục