Hội nghị G20 khó đạt được các thỏa thuận trọng yếu

Mục tiêu của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm G20, đang diễn ra ở thành phố Mexico, là trấn an mối lo ngại về xu hướng sa sút của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh cơn "bão nợ" tại châu Âu chưa tan và nước Mỹ cận kề "vực thẳm tài chính." Đa số các hãng thông tấn và nhiều quan chức đến dự hội nghị đều dự đoán rằng hội nghị lần này khó có thể đạt được thỏa thuận về chất, vì diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi (trùng với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18).
Mục tiêu của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm G20, đang diễn ra ở thành phố Mexico, là trấn an mối lo ngại về xu hướng sa sút của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh cơn "bão nợ" tại châu Âu chưa tan và nước Mỹ cận kề "vực thẳm tài chính."

Đa số các hãng thông tấn và nhiều quan chức đến dự hội nghị đều dự đoán rằng hội nghị lần này khó có thể đạt được thỏa thuận về chất, vì diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi (trùng với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18).

Một quan chức Mexico nhận định sự vắng mặt của một số bộ trưởng tài chính - trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Brazil - sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình thương thảo và kết luận cuối cùng. Bên cạnh đó là việc Mỹ, quốc gia hiện đang tập trung vào bầu cử tổng thống, chưa đạt được một thỏa thuận chính trị khả quan nào để giúp cường quốc này bước qua "vực thẳm tài chính."

Hai năm đã trôi qua kể từ khi Hy Lạp nhận được gói cứu trợ quốc tế trị giá nhiều tỷ euro, song "tâm bão" khủng hoảng nợ công vẫn chưa rời khỏi nước này, đặt ra những bài toán nan giải cho giới lãnh đạo châu Âu.

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cảnh báo nước này có nguy cơ bị "trục xuất" khỏi Eurozone nếu Quốc hội Hy Lạp không thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới vào ngày 7/11 tới. Hy Lạp đang đàm phán với bộ ba chủ nợ quốc tế - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - để được giải ngân 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai mà Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã nhất trí dành cho Athens.

Đây là chiếc "phao cứu sinh" mà Hy Lạp cần tiếp nhận vào giữa tháng 11 này, nếu không sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và buộc phải rút khỏi Eurozone.

Tuần trước, nguồn tin IMF cho biết các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm "bộ ba" đã rơi vào bế tắc do hai bên không đạt được đồng thuận về điều kiện nhận cứu trợ. Hy Lạp muốn kéo dài thêm hai năm thời hạn đáp ứng các mục tiêu tài chính. Đặc biệt, trong nội bộ liên minh cầm quyền Hy Lạp cũng tồn tại một số bất đồng xung quanh điều kiện nhận cứu trợ.

Tuy nhiên, phát biểu với giới báo tại cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Jose Angel Gurrria và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Bộ trưởng Tài chính Mexico Jose Antonio Meade Kuribreña vẫn tỏ ra lạc quan với tình hình hiện nay, cho rằng Mỹ sẽ có động thái kịp thời để tránh rơi xuống "vực thẳm tài chính" và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng sẽ tìm ra hướng đi tích cực trong thời gian tới.

Giới chức G20 cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ECB thực hiện gần đây vẫn chưa đủ mạnh để loại bỏ những nguy cơ suy thoái xuất phát từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, chính sách cắt giảm chi tiêu công sắp tới tại Mỹ và đà tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế mới nổi.

Theo họ, mặc dù những biện pháp mới mà các ngân hàng trên thực hiện đã phần nào giúp bình ổn các thị trường, chính phủ các nước vẫn cần hành động mạnh mẽ hơn nữa bởi vẫn còn nhiều quan ngại về môi trường kinh tế bất ổn cũng như chính sách tiền tệ chưa đủ lực để giúp vực dậy kinh tế toàn cầu.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 được tiến hành kín từ chiều ngày 4 và sáng 5/11. Theo kế hoạch, nước chủ nhà sẽ tổ chức họp báo thông báo kết quả hội nghị vào chiều 5/11./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục