Monti: "Tương lai đồng euro phụ thuộc vào Italy"

Thủ tướng Italy Monti trong bài phát biểu đầu tiên tương lai của đồng euro phụ thuộc vào những việc mà Italy sẽ làm trong vài tuần tới.

Dự án một châu Âu thống nhất sẽ không thể tiếp tục tồn tại với việc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đổ vỡ, tương lai của đồng euro phụ thuộc vào những việc mà Italy sẽ làm trong vài tuần tới.

 

Đó là tuyên bố của tân Thủ tướng Italy Mario Monti trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người đứng đầu chính phủ lâm thời tại Thượng viện Italy ngày 17/11, trong đó ông trình bày kế hoạch giải quyết khủng hoảng.

 

Ông Monti nhấn mạnh việc đồng euro sụp đổ sẽ dẫn đến sự biến mất một thị trường chung, châu Âu sẽ bị đẩy lùi trở lại những năm 1950. Hiện châu Âu đang trải qua những năm tháng khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và đang đứng trước thử thách nghiêm trọng.

 

Theo tân Thủ tướng Italy, cuộc khủng hoảng ở châu Âu là hậu quả của những sai lầm trong việc điều hành. Ông nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi không chia châu Âu thành "họ" và "chúng ta", tất cả chúng ta đều là châu Âu."

 

Theo ông Monti, mục tiêu chính của chương trình hành động của chính phủ là bảo đảm tăng trưởng kinh tế, mà trong thời kỳ từ 2001 đến 2007 mức tăng trưởng kinh tế của Italy thấp hơn gần hai lần so với mức chung của châu Âu. Ông cũng cam kết tiến hành các cuộc cải cách để phục hồi tăng trưởng kinh tế cũng như giảm dần nợ nước ngoài của Italy. Chương trình hành động của chính phủ của ông Monti cũng bao gồm việc bảo đảm công ăn việc làm cho thanh niên và phụ nữ cũng như sự thống nhất lãnh thổ, không có sự chia cắt giữa miền Nam và miền Bắc.

 

Tân Thủ tướng Italy tuyên bố rằng trong thời hạn sớm nhất, các bộ trưởng của ông sẽ soạn thảo các văn kiện để trình lên các uỷ ban của Quốc hội. Ông nhấn mạnh rằng việc tiến hành các cuộc cải cách chỉ có thể thực hiện được với sự ủng hộ hoàn toàn của Quốc hội.

 

Trong số những ưu tiên của chính phủ, ông Monti nhấn mạnh cuộc chiến chống nạn trốn thuế, mà thiệt hại lên tới 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tân Thủ tướng Italy cũng nêu rõ một loạt bước đi chính nhằm hiện đại hóa hệ thống tài chính của Italy, trong đó có giảm khối lượng lưu thông tiền mặt.

 

Tối cùng ngày, Thượng viện Italy tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm nội các mới. Kết quả tích cực của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này là điều không phải nghi ngờ sau khi chính phủ của Thủ tướng Monti đã nhận được sự ủng hộ của gần như tất cả các chính đảng, kể cả đảng "Nhân dân tự do" cầm quyền trước đó.

 

Ngày 18/11, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ sẽ được tiến hành tại Hạ viện Italy./.

Tin cùng chuyên mục