Đôi rồng đá lớn nhất VN: Huyền thoại đến thực tại

Đôi rồng đá lớn nhất Việt Nam tại Hoàng Thành Thăng Long kết tinh trong mình niềm tự hào, tráng chí quật cường của cả dân tộc.
Bản thân nhiều người Hà Nội gốc cũng chẳng hề hay biết, ngay trong lòng thành phố ồn ào của mình đang “trầm tích” một đôi rồng đá lớn nhất Việt Nam. Đôi rồng uốn mình 7 khúc, hàng trăm năm nay vẫn nằm uy nghiêm trước cửa điện Kính Thiên, sừng sững mang trong mình sự linh thiêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Rồng vua và…. rồng quan Khi nghe Kiên, một gã sành về kiến trúc cổ hé lộ về đôi rồng đá kỷ lục của Việt Nam đang tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố Hà Nội, tôi chẳng thể kiềm lòng. Trí tò mò buộc gã phóng viên gàn dở trong tôi phải lật dở lại những trang sách sử đã cũ kỹ từ mấy trăm năm về trước. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi lại những dòng như sau về công trình kỳ vĩ bậc nhất này của đất kinh kỳ: “Vào ngày rằm tháng Tám năm 1467, vua Lê Thái Tông đã cho đặt 4 con rồng đá trước cửa điện Kính Thiên [thuộc di tích Hoàng Thành Thăng Long ngày nay –PV].” Đây được coi là  kiệt tác về điêu khắc hình rồng tại Việt Nam bởi chiều dài cũng như những nét chạm khắc tinh xảo của các nghệ nhân xưa. Lần giở lại sách sử, Giáo sư sử học Lê Văn Lan trầm ngâm: “Trong 4 con rồng đá này, hai con rồng lớn được dành để cho vua lên xuống, hai con nhỏ hơn là dùng cho các viên quan lại trong chiều.” Cũng bởi tác dụng như thế, nên khi thiết kế, rồng đá được đặt từ trên xuôi xuống dưới, có tác dụng chia cắt khoảng không gian của công trình kiến trúc cửu trùng tương ứng với 9 bậc thềm lên xuống.


Điện Kính Thiên xưa, nơi đặt đôi rồng huyền thoại (Ảnh tư liệu)
Theo các nghiên cứu của giáo sư Lê Văn Lan, rồng điện Kính Thiên được làm từ đá xứ Thanh, nơi nổi tiếng về đá tốt và bền. Riêng về việc tạo tác, hiện vẫn còn 2 quan điểm. Thứ nhất, nhiều nhà sử học nhận định, đôi rồng vua vốn được tạc ngay ở xứ Thanh, cụ thể là tại vùng núi Nhồi rồi mới được nhân công vận chuyển ra đặt trước điện Kính Thiên vào năm 1467. Một số khác lại vẽ nên một hành trình kỳ vĩ hơn khi những nghệ nhân đá đồ miền Trung đóng những tấm mảng lớn rồi chất đá xanh lên như những người lái đò kỳ cựu nhất. Từ dòng sông Mã, họ đánh mảng ra, chống chọi với sóng lớn, nước sâu ra biển lớn. Hành trình lênh đênh “cõng” đá thiêng chỉ dừng lại ở cửa sông Hồng, sông Đáy. Từ đây, len lỏi giữa hệ thống sông Tô Lịch, tảng đá “mẹ” dần dần được chuyển sâu vào nội đô. Tráng chí Việt vẫn chưa dừng ở đó. Theo giáo sư Lê Văn Lan, nếu vận chuyển theo cách này, đến cửa sông, quãng đường còn lại dẫn đá về Hoàng thành không phải là chuyện đơn giản. Đá đủ tạc tượng rồng lớn cỡ hàng chục người ôm ngang không xuể. Cập bến Tô Lịch, hàng trăm người hè nhau kéo đá vào bờ. Một hệ thống con lăn được dựng lên ngay ven sông. Người người vần đá, kéo đá, trượt đá vào hệ thống này. Từ đấy, một tráng cảnh sức người địch thiên được dựng lên. Đá lớn cứ từ từ, từ từ từng chút “chạy” về cổng điện Kính Thiên. Như thế, bản thân hành trình đưa đá từ xứ Thanh xa tắp nhập hoàng cung cũng đủ thấy bản thân đôi rồng đá nằm tại điện Kính Thiên đã trầm tích trong lòng mình mồ hôi, công sức của hàng trăm nghìn nghệ nhân xứ Thanh và tinh thần quật cường của cả dân tộc. Ngay cả địa điểm đặt đôi rồng đá cũng chứa đựng những nét văn hóa đáng quý. 4 con rồng vua và quan được đặt tại mặt phía Nam ngọn núi Long Đỗ trước đây. Đến thời Lê, núi Long Đỗ được gọi là núi điện Kính Thiên. Do nằm ở vị trí kết tinh khí thiêng của đất trời nên 4 con rồng được tạo dáng trườn bò từ trên đỉnh núi xuống long trì, tức là thềm rồng được xây dựng ngay ở mặt tiền của núi và điện Kính Thiên. Trong số 4 con rồng đá này, hai con rồng ở giữa là hai con rồng to nhất cho tới thời điểm này và được gọi là rồng hiện thực, khoanh không gian ở giữa để cho vua lên xuống. Hai rồng hai bên được cách điệu hóa thành những đám mây vờn quanh thân rồng, và để cho các quan. Nếu các quan đi nhầm vào phần giữa hai con rồng chính sẽ bị chém đầu. Tận mục đôi rồng hiện thực Để tận mục đôi rồng đá trầm tích trong mình hàng trăm năm lịch sử và tráng chí dân tộc, tôi đã đến Hoàng Thành Thăng Long. Qua cổng Đoan Môn, đi dịch lên khoảng chừng 200m là di tích điện Kính Thiên (số 9 Hoàng Diệu). Di tích điện Kính Thiên chỉ còn là khu nền đất cũ, điện đã bị đập đi, thay vào bằng ngôi nhà hai tầng của Bộ Chỉ huy pháo binh Pháp xây dựng. Trước điện (phía Nam) là một thềm bậc xây bằng đá xanh tạo thành lối vào. Chính ở bậc thềm này có bốn con rồng đá chia thành ba lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng. Đứng từ bên ngoài chỗ chắn ngang, ngay giữa trung tâm là hai con rồng hiện thực được uốn 7 khúc, dài 5,3m, chạm khắc tinh xảo đặc biệt ở phần chân. Đôi rồng đá này được ghi nhận là đôi rồng có kích thước lớn nhất Việt Nam. Bản thân cách thức điêu khắc cũng cho thấy sự tinh xảo vượt bậc so với các thời kỳ trước đó.


Kích thước và điêu khắc của đôi rồng đều ở trình độ cao (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Rồng đá có mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh. Móng chân trước của rồng ở tư thế quặp - tư thế chầu vua. Bờm rồng dài, uốn lượn về phía sau. Mình rồng trơn, không có vảy. 5 móng rồng nổi bật - biểu tượng của rồng đế vương. Đôi đầu rồng ở tư thế ngửa nhìn lên cao, như sẵn sàng tuân mệnh vua. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Đứng từ trên nhìn xuống thấy rõ hình ảnh mây cuồn cuộn chạy dài dưới thân rồng, tạo cảm giác đang ngự trên mây. Một vài nhánh sừng rồng đã bị đắp lại bằng xi măng. Móng chân trước của hai con rồng bị lấp xuống chừng 1/3 và được đặt kệ sắt chống đỡ. Ngay sát phần móng chân có một phần đất nhô ra như vừa có sự khai quật lên và lấp lại. Hai con rồng ở bên cạnh được làm cách điệu thành những đám mây vờn quanh hai con rồng lớn, kéo dài theo các bậc Thềm rồng nhưng có độ cao thấp hơn so với hai con rồng lớn. Những nét chạm khắc vân mây trên đá xanh rất kỹ và tinh xảo. Huyền thoại đôi rồng “trung quân” Liên quan tới những thăng trầm của rồng điện Kính Thiên, Giáo sư Lê Văn Lan kể: Vua Lê Thánh Tông mất đã kết thúc thời huy hoàng của nhà Lê sơ. Sau đó nhà Mạc đánh đổ nhà Lê và lên thay. Nhà Mạc sử dụng Hoàng thành Thăng Long của nhà Lê làm hoàng thành của mình. Có một hôm vua Mạc (không rõ là vua nào) đi từ bậc dưới lên thì áo hoàng bào vướng vào sừng của con rồng. Vua Mạc vốn là võ tướng, tức giậc rút đao trên người chặt phăng sừng của con rồng. Hiện nay, vào Hoàng thành, sừng của con rồng hiện thực cụt mất, người ta đắp thay vào đó sừng bằng xi măng. “Có nhiều phán đoán cho rằng ngay đến con rồng đá cũng trung thành với nhà Lê, phản đối nhà Mạc nên nó cắn vào áo vua Mạc,” Giáo sư Lê Văn Lan cười nói.


Vì trung quân, rồng đá bị chém cụt một bên sừng? (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng, thời kỳ thăng trầm của rồng điện Kính Thiên chính là thời kháng chiến chống Pháp. Lúc đó Pháp phá điện Kính Thiên, làm thành sở chỉ huy pháo binh thuộc địa. Mặt tiền của núi Kính Thiên bị đục phá đi, xây thành. Những tên lính Pháp cầm lưỡi lê đứng chân bên cạnh các bậc thềm rồng và những con rồng. Đến lúc thời cách mạng, Bộ tổng tham mưu dùng ngay lại nhà rồng vốn là chỉ huy sở của pháo binh thuộc địa Pháp trở thành nơi làm việc của bộ tổng. Hằng ngày mọi người đi làm nhưng không có ý thức giữ gìn con rồng. Nhà làm việc của Bộ tổng tham mưu được đặt tên là nhà con rồng. “Tuy nhiên, trải qua thăng trầm lịch sử, đến nay rồng đã trở lại ý nghĩa thật của nó. Rồng trong hoàng thành là biểu tượng của uy quyền nhà vua, biểu tượng của tòa kinh đô nghìn năm vẫn mang tên của chính nó. Và nó là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý, đẹp đẽ của cả nền văn hóa và đất nước với động tác rồng thăng hoa lên,” Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ./.
Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục