Chỉ số PMI xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011

Chỉ số PMI ngành sản xuất VN giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi HSBC Việt Nam thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên vào tháng 4/2011. Dữ liệu tháng 7 cho thấy cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu. Theo báo cáo, kể từ tháng 5, số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm mỗi tháng,  do những điều kiện kinh tế không thuận lợi và do khách hàng hạn chế chi tiêu.
HSBC Việt Nam phối hợp cùng với Công ty Markit Economics vừa công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 7/2012.

Theo đó, PMI ngành sản xuất trong tháng 7 của Việt Nam giảm 3 điểm so với tháng trước, từ 46,6 điểm xuống 43,6 điểm. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã cho kết quả dưới mức trung bình 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp và tháng 7 là tháng có chỉ số thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu thực hiện vào tháng 4/2011.

Dữ liệu tháng 7 cho thấy cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu. Theo báo cáo, kể từ tháng 5, số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm mỗi tháng.

Theo HSBC, nguyên nhân là do những điều kiện kinh tế không thuận lợi và do khách hàng hạn chế chi tiêu. Mức giảm tổng thể số lượng đơn đặt hàng mới chủ yếu xuất phát từ nhu cầu yếu kém của các khách hàng trong nước, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm nhẹ. Các công ty có câu trả lời số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm hay nêu lý do là do lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm và nhu cầu từ các thị trường châu Âu suy yếu.

Cũng trong tháng 7, các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân công, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp các doanh nghiệp cắt giảm lượng lao động. Đơn đặt hàng mua nguyên vật liệu đầu của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng tiếp tục sụt giảm trong tháng 7 và đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp sụt giảm.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng sản xuất do sự khó khăn của thị trường tiêu thụ. Chính việc các doanh nghiệp hạn chế sản xuất khiến lượng hàng tồn kho giảm đáng kể so với các tháng trước.

Ngoài việc hạn chế sản xuất, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán hàng với chính sách giá mềm dẻo hơn và vừa phải hơn để cố gắng giảm lượng hàng tồn kho, vốn tăng mạnh trong tháng 6./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục