Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng-an ninh

Tại phiên sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng, Chủ tịch UBND Quảng Nam đã tham luận về phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng-an ninh.
Tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng, ông Lê Phước Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tham luận nội dung "Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh.”

TTXVN xin trích giới thiệu bài tham luận trên.

Quảng Nam là một trong các tỉnh ven biển và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có 6 huyện, thành phố đồng bằng ven biển, chiếm 15% diện tích và chiếm 57% dân số toàn tỉnh.

Là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển: Với ngư trường rộng lớn trên 40.000km2, thềm lục địa kéo dài 93km có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhiều loài thuộc loại quý hiếm. Đặc biệt, cách thành phố Hội An gần 20km về phía Đông là quần đảo Cù Lao Chàm với các hệ sinh thái đặc thù gồm quần thể san hô và các loài hải sản đa dạng, phong phú có giá trị kinh tế cao, là khu bảo tồn biển quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Với chiều dài bờ biển trên 125 km và 2 cửa biển lớn là Cửa Ðại gắn liền với phố cổ Hội An và cửa An Hòa gắn liền với Khu Kinh tế mở Chu Lai có thể đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái đa dạng, phát triển cảng hàng hóa, du lịch và phát triển nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng là một tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu, nhất là khu vực ven biển, ven sông.

Xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển của tỉnh, thời gian qua, Quảng Nam đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển; tập trung quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển, ven sông; nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đặc biệt, tỉnh đã được Trung ương cho thí điểm xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước và Dự án tổng quan sắp xếp dân cư phòng tránh thiên tai và phục vụ phát triển du lịch.

Việc phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế biển hiện nay luôn gắn liền với nhiệm vụ giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia. Quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ trên, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền tỉnh đã chú trọng gắn phát triển kinh tế biển với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Thế trận quốc phòng toàn dân trên biển với sự gắn kết liên hoàn 3 tuyến biển-đảo-bờ và lực lượng bảo vệ biển, đảo được xây dựng vững mạnh cả về tổ chức, biên chế và trang bị; riêng lực lượng dân quân tự vệ biển, tỉnh đã có đề án xây dựng lực lượng ở 18 xã, phường và 2 đơn vị quốc doanh, được bố trí trên cả 3 tuyến (khơi, lộng, gần bờ) để sẵn sàng phối hợp với các lực lượng thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và giữ vững ổn định chính trị vùng biển; các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và trên các đảo được đầu tư xây dựng khá kiên cố; tiềm lực và thế trận quốc phòng-an ninh vùng biển được tăng cường.

Công tác tuần tra, kiểm soát dọc bờ biển và trên một số tuyến trọng điểm được tăng cường qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, tích cực bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ, bảo đảm công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nên trong thời gian qua tình hình an ninh trật tự trên vùng biển của Quảng Nam cơ bản được giữ vững, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Phát huy lợi thế của một tỉnh ven biển, Quảng Nam đã đề ra mục tiêu định hướng về phát triển kinh tế biển trong thời gian tới là: Phấn đấu đến năm 2020, đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ven biển; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh; giảm nhẹ thiên tai; bảo tồn, tái tạo nguồn lợi, bảo vệ tốt môi trường sinh thái biển và vùng ven biển.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng- an ninh, nhất là các cơ quan, tổ chức, người dân liên quan trực tiếp đến biển trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên biển, đảo của Tổ quốc. Xem đây là yêu cầu cấp thiết trước mắt và là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; từ đó xác định và đề cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển, vùng đảo luôn gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh; từ đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cả hai nhiệm vụ là phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh khi có tình huống chiến tranh xảy ra.

Đầu tư phát triển vùng Đông ven biển của tỉnh trở thành vùng kinh tế động lực, trong đó, tập trung các nguồn lực để phát triển mạnh mẽ Khu Kinh tế mở Chu Lai; các khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ, bến cảng, các khu đô thị ở khu vực ven biển.

Trước mắt, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt như cầu Cửa Đại, hệ thống đường ven biển, nạo vét sông Trường Giang, sông Cổ Cò, cảng Kỳ Hà, cảng Tam Hiệp; kết hợp với xây dựng các công trình hạ tầng vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế, vừa bảo đảm quốc phòng- an ninh và có khả năng đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, nhất là chống bão, sóng thần, nước biển dâng…

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về biển, vùng ven biển. Thực hiện tốt công tác quốc phòng-an ninh, tích cực tham gia hợp tác khu vực và đối ngoại về biển. Tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, đáp ứng yêu cầu vươn xa để đánh bắt, khai thác hải sản và mua sắm các trang bị, phương tiện cần thiết như máy tìm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, bộ đàm nhằm phục vụ thông tin, liên lạc kịp thời để tránh bão, phát hiện tàu thuyền lạ xâm lấn ngư trường, các hành vi phá hoại môi trường sinh thái và các hoạt động buôn lậu trên biển.

Chú trọng phát triển vùng và liên kết vùng; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực vành đai Trung Trung bộ; đồng thời triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước vùng biển, vùng ven biển và nội thủy do tỉnh quản lý.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng biển và ven biển. Đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng biển. Xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế có liên quan đến biển; hỗ trợ đào tạo các ngành nghề khai thác hải sản, chú trọng ưu tiên đào tạo học sinh, lao động các xã nghèo vùng bãi ngang ven biển, cồn bãi ven sông để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các vùng biển và ven biển.

Quy hoạch vùng dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; đồng thời, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho các hoạt động kinh tế như nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm, trạm: dự báo thời tiết, khí hậu, cảnh báo sóng thần, động đất cùng với các phương tiện, trang thiết bị bổ trợ để khuyến khích người dân ra biển làm kinh tế. Củng cố, duy tu, bảo dưỡng các công trình phòng thủ ven biển, nhất là trên đảo Cù Lao Chàm. Thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo, điều hành, chỉ huy và phối hợp hoạt động của các lực lượng trong quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục