Xây nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo an toàn

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu để việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đảm bảo nguyên tắc an toàn cao.
Sáng 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án nhà máy thủy điện Lai Châu và đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đảm bảo tốt công tác di dời, tái định cư

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ ý kiến tán thành cao đối với chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu, nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng ngày càng bức thiết của xã hội. Việc xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu cũng là một cơ hội lớn cho sự phát triển của địa phương vốn là một tỉnh nghèo, đông bà con dân tộc.

Vì vậy, theo đại biểu, trong quá trình lập dự án và xây dựng nhà máy, Chính phủ cần có những có những biện pháp tích cực hơn nữa để đảm bảo và nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.

Cùng chung ý kiến với đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội), Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) nhất trí với chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu và quan tâm đến công tác di dời, tái định cư người dân khu vực xây dựng nhà máy.

Theo các đại biểu, việc giải tỏa, di dân, tái định cư là vấn đề phức tạp, liên quan đến đời sống của hàng ngàn người dân, vì thế cần phải đảm bảo nguyên tắc chỗ ở mới của người dân phải tốt hơn chỗ ở cũ và chất lượng cuộc sống phải được nâng cao hơn một bước.

Thực tế hiện nay cho thấy, công tác di dời, tái định cư cho đồng bào địa phương nơi xây dựng các nhà máy thủy điện hiện đang gặp một sô vấn đề tồn tại cần khắc phục như: việc đền bù chậm, đất ở, sản xuất nơi tái định cư thường là hẹp, chất lượng xấu hơn nơi cũ; đời sống phong tục, tập quán, nền văn hóa của người dân bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, Chính phủ cần tổng kết, đút rút kinh nghiệm từ công tác di dời, tái định cư khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nhân dân tại nơi ở mới.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam ), Nguyễn Viết Thịnh (Hà Nội) đồng ý về sự cần thiết phải xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu nhưng Chính phủ cần có báo cáo cụ thể về phương án xả lũ, báo cáo ảnh hưởng việc xả lũ đối với vùng hạ lưu; tác động môi trường từ việc xây dựng các hồ chứa; xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho nhà máy trước các tác động bất lợi và rủi ro.

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau), Bùi Sỹ Lợi (Hà Nội), Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, Chính phủ cần có báo cáo chi tiết, cụ thể hơn về vốn đầu tư xây dựng công trình và phương án huy động vốn trong dự án nhà máy thủy điện Lai Châu.

Việc xây dựng nhà máy đòi hỏi một nguồn vốn lớn, vì thế, Quốc hội và Chính phủ cần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, hậu giám sát trong quá trình xây dựng nhà máy, để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, không thất thoát.

Cơ bản nhất trí về chủ trương phát triển điện hạt nhân

Cùng chung quan điểm với một số đại biểu khác, đại biểu Nguyễn Tiến Quân, Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam), Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về sự cần thiết của việc phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, phù hợp với xu thế sử dụng năng lượng của thế giới.

Các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu biện pháp để việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo nguyên tắc an toàn cao, sử dụng công nghệ cao, lưa chọn đối tác có khả năng cung cấp công nghệ kỹ thuật tốt, rẻ, lâu dài.

Chính phủ cũng cần có kế hoạch chi tiết cho việc đào tạo nguồn nhân lực vận hành, sử dụng khi nhà máy đi vào hoạt động, vì thực tế cho thấy các sự cố xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới phần lớn do lỗi vận hành kỹ thuật.

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) nhất trí với chủ trương phát triển điện hạt nhân, nhưng cho rằng, trước mắt Chính phủ nên xem xét lại mức độ đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo hướng đầu tư dần 1-2 tổ máy để tránh áp lực về nguồn vốn và tận dụng được sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới.

Phát biểu tại tổ Quảng Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nếu chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân được thông qua, EVN sẽ thực hiện việc xây dựng nhà máy theo giải pháp “chìa khóa trao tay,” đảm bảo lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm từ các quốc gia có công nghệ gốc về điện hạt nhân.

Cũng theo ông Thành, EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng xây dựng các nhà máy điện để làm tốt hoạt động tái định cư cho người dân phải di dời theo đúng yêu cầu của Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục