Thủ tướng Anh gặp rắc rối vì ăn tối với doanh nhân

Áp lực gia tăng với Thủ tướng Anh sau khi thủ quỹ đảng Bảo thủ từ chức vì nhận tiền đổi lấy việc sắp xếp cuộc gặp với ông Cameron.
Áp lực đang gia tăng với Thủ tướng Anh David Cameron sau khi một thủ quỹ của đảng Bảo thủ phải từ chức vì đã nhận tiền tài trợ cho đảng đổi lấy việc sắp xếp các cuộc gặp với ông Cameron.

Peter Cruddas đã bị báo Sunday Times quay phim bí mật nhận tiền từ những nhà tài trợ đại gia để sắp xếp các buổi ăn tối riêng với ông Cameron, có giá khoảng 250.000 bảng (khoảng 396.000 USD).

Trong đoạn băng, Cruddas đã nói quan điểm của những đại gia này sẽ được chỉ thị lại cho một ủy ban của chính phủ. Trong tuyên bố của mình, Cruddas nói những gì ông nói trong đoạn băng chỉ là “khoác lác” và khẳng định ông không hề bán việc tiếp cận thủ tướng, nhưng tay thủ quỹ này vẫn từ chức khỏi vị trí mà ông mới đảm nhận một tháng trước.

Cameron, lãnh đạo đảng Bảo thủ, lên án những gì Cruddas nói là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.” “Đây không phải là cách chúng tôi huy động tài trợ ở đảng Bảo thủ, việc này đáng lẽ không xảy ra,” ông Cameron nói với hãng tin BBC.

Ông nói thêm: “Peter Cruddas phải từ chức là đúng. Tôi sẽ tiến hành điều tra trong đảng để đảm bảo việc này không lặp lại.”

Nhưng văn phòng của Cameron ở phố Downing sau đó thừa nhận thủ tướng và vợ ông Samantha từng có các bữa ăn tối với “một nhóm nhỏ” những nhà tài trợ của đảng Bảo thủ, đẩy thủ tướng Anh vào tình thế rất khó khăn trước các nghị sỹ đối lập ở cuộc họp quốc hội diễn ra hôm nay thứ Hai.

Nghị sỹ đối lập cấp cao của Công đảng, David Miliband, anh trai của lãnh đạo đảng Ed Miliband, nói những tiết lộ này là nỗi hổ thẹn lớn với ông Cameron. “Ý tưởng đem bán các chính sách thật lố bịch,” ông David Miliband nói.

Đảng Bảo thủ đăng công khai những lợi ích của việc tài trợ tiền cho đảng trên trang web của họ, bao gồm cơ hội ăn tối với ông Cameron, với mức đóng góp 50.000 bảng mỗi năm. Nhưng Cruddas có vẻ đã đi xa hơn, với việc thương lượng về những gói tài trợ với mức 200.000-250.000 bảng mỗi năm, đổi lấy việc tiếp cận với ông Cameron và Bộ trưởng tài chính George Osborne.

Cruddas cũng có vẻ không bận tâm khi những phóng viên giả dạng tuyên bố đại diện cho một quỹ ở Lichtenstein, vốn không được góp tiền cho các đảng chính trị, theo luật Anh. “Tôi rất lấy làm tiếc nếu gây ra ấn tượng về việc hành xử sai trái vì những điều khoác lác của tôi trong đoạn hội thoại đó,” Cruddas nói.

“Chắc chắn không có chuyện các nhà tài trợ có thể ảnh hưởng lên chính sách để được tiếp cận các chính trị gia,” Cruddas nói thêm.

Một người phát ngôn của đảng Bảo thủ khẳng định đảng không chấp nhận khoảng tài trợ nào không được xem xét một cách chính thức và cam kết luôn tuân thủ pháp luật. “Những tài trợ cho đảng Bảo thủ không mua được chính sách của đảng hay chính quyền. Chúng tôi sẽ điều tra khẩn trương bất cứ bằng chứng nào cho thấy điều ngược lại,” người phát ngôn này nói.

Vấn đề tiền bạc và ảnh hưởng chính trị từ lâu là mối bận tâm lớn ở Anh, nơi các đảng chính trị dựa nhiều vào tài trợ cho các hoạt động. Vụ bê bối lớn nhất là dưới thời cựu thủ tướng Tony Blair khi Công đảng của ông bị cáo buộc trao những ghế không cần bầu cử trong quốc hội cho những người ủng hộ giàu có đổi lấy các khoản tài trợ và cho vay bí mật./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục