Phòng H1N1 kiểu Ấn Độ

Phòng cúm H1N1 theo y học cổ truyền Ấn Độ

Nuốt một, hai miếng nhỏ long não mỗi tháng là một trong những cách phòng cúm A/H1N1 theo lời khuyên của các thầy thuốc Ấn Độ.
Có những biện pháp phòng dịch cúm A/H1N1 đơn giản, rẻ tiền mà lại rất hiệu quả như lời khuyên của các thầy thuốc y học cổ truyền Ấn Độ dưới đây.

1. Ăn 5 lá húng quế (tên y học là Ocimum sanctum) rửa sạch vào mỗi buổi sáng. Húng quế chứa nhiều chất có tính năng chữa bệnh, giúp làm sạch họng và phổi, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, bằng cách đó giúp ngăn chặn sự viêm nhiễm.

2. Nuốt một hoặc hai miếng nhỏ (bằng viên thuốc) long não trong một tháng. Người lớn có thể dùng nước ấm để nuốt, còn trẻ em có thể nuốt cùng với một miếng chuối chín hay thìa bột khoai tây nấu đánh nhuyễn.

Nên nhớ không được nuốt long não hàng ngày mà chỉ một lần trong một tháng.

3. Những người có thể ăn được tỏi sống nên nuốt 2 nhánh vào mỗi buổi sáng. Tỏi sống có tác dụng kháng viêm và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

4. Những người thích uống sữa có thể uống một cốc sữa nóng kèm theo một chút bột nghệ vào mỗi tối.

5. Hàng ngày uống một thìa nước ép cây lô hội sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp điều trị bệnh viêm da và khớp xương.

6. Thực hành phương pháp thở Pranayam (cách thở yoga Ấn Độ) và đi bộ vào buổi sáng. Điều này giúp giữ cho họng và phổi luôn ở trạng thái hoạt động tốt, tinh thần phấn chấn và tăng cường khả năng của cơ thể trong việc chống lại sự tấn công của virus qua đường hô hấp.

7. Ăn các loại quả có múi (cam, bưởi, quýt…). Đây là các loại quả giàu vitamin C giúp tăng cường khả năng kháng bệnh của cơ thể.

8. Rửa tay hàng ngày bằng xà phòng và nước ấm mỗi lần trước khi ăn hoặc sau khi tay chạm vào vật nghi có virus cúm như tay vặn cánh cửa, dụng cụ mở nút chai rượu hay bia, đặc biệt sau khi trở về nhà từ nơi đông người hay trên phương tiện giao thông công cộng…

Đeo khẩu trang mỗi khi cần phải có mặt chỗ đông người và cũng cần nhớ rằng mỗi khẩu trang mới cũng chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định.

Mỗi người không nhất thiết phải áp dụng tất cả các biện pháp trên cùng lúc mà có thể lựa chọn một vài biện pháp phối hợp.

Những biện pháp này chỉ có tác dụng phòng ngừa và không thể sử dụng để điều trị cúm A/H1N1. Khi đã xác định nhiễm cúm A/H1N1, người bệnh phải được cách ly và điều trị trong bệnh viện theo chỉ dẫn của các bác sỹ./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục