Điệp viên Xô Viết huyền thoại đã qua đời ở tuổi 87

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gọi Vartanyan là “một điệp viên huyền thoại, người yêu nước chân chính và nhân cách phi thường”.
Một trong những điệp viên Xô Viết huyền thoại trong chiến tranh thế giới thứ hai, người đã trà trộn được vào trường đào tạo tình báo Anh và bảo vệ cho “bộ ba” ở hội nghị thượng đỉnh Tehran nổi tiếng, đã qua đời ở tuổi 87, theo truyền thông Nga đưa tin ngày thứ Tư.

Gevork Vartanyan, bí danh Amir, năm 1942 đã trà trộn được vào một khóa đào tạo tình báo của Anh cho những điệp viên nói tiếng Nga ở Tehran mà London định cử sang Liên Xô sau đó. Theo Cục tình báo đối ngoại Nga (SVR), tổ chức kế thừa của KGB khét tiếng, Vartanyan đã giúp Liên Xô phát hiện ra mạng lưới tình báo Anh ở nước này dù lúc đó London là đồng minh với Mátxcơva trên chiến trường.

Nhưng chiến công lớn nhất của Vartanyan là vai trò của ông trong việc đảm bảo an ninh tại hội nghị 1943 tại Tehran của nhóm “bộ ba” đồng minh, nhà lãnh đạo Xô Viết Joseph Stalin, thủ tướng Anh Winston Churchill và tổng thống Mỹ F.D. Roosevelt.

Hội nghị đã vẽ lại bản đồ châu Âu hậu chiến. Vartanyan, khi đó mới 19 tuổi, đứng đầu một nhóm điệp viên Xô Viết đã phát hiện được một kế hoạch của phe phát xít được đặt bí danh “Chiến dịch bước nhảy dài” ám sát cả ba nhà lãnh đạo đồng minh tại hội nghị.

“Bất cứ ai làm việc trong ngành tình báo đối ngoại cũng sẽ nhớ đến Gevork Andreyevich vì tình yêu tổ quốc nồng nàn của ông và sự hy sinh cao cả cho nhiệm vụ”, người phát ngôn của SVR, Sergei Ivanov, nói trong một tuyên bố.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gọi Vartanyan là “một điệp viên huyền thoại, một người yêu nước chân chính và một nhân cách phi thường.”

“Ông đã tham gia vào những kế hoạch đặc biệt đi vào lịch sử ngành tình báo đối ngoại”, ông Medvedev gửi trong thư chia buồn cho gia đình Vartanyan.

SVR nói trong một tuyên bố trên trang chủ của họ rằng Vartanyan qua đời ngày thứ Ba ở một bệnh viện tại Moscow. Suốt cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình, mà nhiều phần vẫn còn phủ kín trong bí mật, Vartanyan đã làm nhận được sự hỗ trợ hết lòng của vợ ông, bà Goar, cũng là một điệp viên. Theo SVR, họ đã làm điệp viên cùng nhau trong 30 năm ở nhiều nước sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Hiện SVR vẫn công bố rất ít chi tiết về công việc của Vartanyan, chỉ cho biết đó là những công việc “cực kỳ khó khăn phức tạp”. Họ chỉ trở về Liên Xô vào năm 1986 và Gevork Vartanyan tiếp tục làm việc trong ngành tình báo tới năm 1992.

“Mọi việc chúng tôi làm đều quan trọng với tổ quốc. Nhưng những điều quan trọng nhất vẫn chưa thể công bố,” ông Vartanyan nói trước khi qua đời trên kênh truyền hình Nga Channel One.

Vartanyan sinh ra ở thành phố Nga Rostov-on-Don, con trai của một chủ nhà máy người Iran gốc Armenia, và đã nhận những huân, huy chương cao quý nhất của nhà nước Xô Viết cũng như Armenia vì những đóng góp của ông.

Cha ông cũng làm điệp viên cho Liên Xô và đó là lý do khiến ông đưa gia đình trở lại Iran vào những năm 1930. Ở tuổi 16, Gevork đã vào nghề tình báo và săn lùng những điệp viên phe phát xít ở Iran./.

Trần Trọng (AFP/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục