Nga: Nhận định của Mỹ về Syria "hoàn toàn sai lệch"

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho rằng bình luận của Ngoại trưởng Mỹ là mâu thuẫn với chiến lược nhằm chấm dứt bạo lực ở Syria.
Ngày 6/7, Nga đã kịch liệt phản đối chỉ trích của Mỹ về lập trường của Điện Kremlin đối với cuộc xung đột ở Syria, đồng thời khẳng định rằng sự ám chỉ của Washington về việc Mátxcơva sẽ "phải trả giá đắt" do ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad duy trì quyền lực là "hoàn toàn sai lệch".

Phát biểu với Hãng tin Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho rằng bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là mâu thuẫn với chiến lược nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria, điều từng được các cường quốc nhất trí hôm 30/6 vừa qua ở Geneva.

Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 6/7 đã gia tăng sức ép đối với Syria bằng việc thông qua một nghị quyết mới lên án tình hình bạo lực tại quốc gia Trung Đông này, đồng thời yêu cầu tất cả các bên tuân thủ kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên chung LHQ - Liên đoàn Arập Kofi Annan.

Có 41 trên tổng số 47 ủy viên Hội đồng Nhân quyền đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đệ trình nói trên. Nga, Trung Quốc và Cuba bỏ phiếu chống, trong khi Uganđa, Ấn Độ và Philippines bỏ phiếu trắng. Đại sứ Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Eileen Donahoe nói: "Hội đồng Nhân quyền LHQ cần phải tiếp tục lên tiếng trước các vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn cũng như hành động tàn bạo của chế độ Bashar al-Assad. Chúng tôi yêu cầu chấm dứt những tội ác vô nhân đạo nhằm vào người dân Syria. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục tăng dần áp lực đối với chính quyền Damascus".

Nghị quyết lên án "tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan, có hệ thống và trắng trợn" ở Syria, cũng như những tội ác gây ra bởi lực lượng dân quân Shabiha ủng hộ Chính phủ Syria và việc nhà chức trách Syria "nhắm bừa bãi" vào dân thường.

Văn kiện trên cũng lưu ý tới những hậu quả "đáng báo động" về nhân quyền và nhân đạo của việc không thực thi kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên Annan, kêu gọi tất cả các bên tuân thủ kế hoạch này và yêu cầu chính quyền Syria cho phép các quan sát viên nhân quyền được tiếp cận các cơ sở giam giữ.

Trước đó, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã bỏ phiếu bác một đề xuất sửa đổi của Nga, theo đó yêu cầu hội đồng lên án "mọi hành động khủng bố tại Syria". Hội đồng cũng đã thành lập một ủy ban điều tra để tìm hiểu các vụ vi phạm nhân quyền ở nước này trong năm 2011./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục