Hy Lạp nối đàm phán giảm nợ với chủ nợ tư nhân

Ngày 18/1, Hy Lạp đã tổ chức các cuộc đàm phán mới về giảm nợ giữa chính phủ nước này với đại diện các ngân hàng tư nhân.
Ngày 18/1, Hy Lạp đã tổ chức các cuộc đàm phán mới về giảm nợ với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính nước này Evangelos Venizelos, Thủ tướng tạm quyền Lucas Papademos và ông Charles Dallara - người đứng đầu Viện Tài chính Quốc tế (IIF), đồng thời là nhà đàm phán đại diện cho các ngân hàng tư nhân.

Phát biểu trước Quốc hội sau cuộc gặp nói trên, ông Venizelos cho biết tiến trình đàm phán đã được nối lại và sẽ tiếp tục trong ngày 19/1. Một quan chức Bộ Tài chính tiết lộ các bên có thể đạt thỏa thuận vào cuối tuần này. Ông Papademos cũng xác nhận với báo giới rằng căn cứ vào mức độ phức tạp của vấn đề thì các bên "đã tiến gần hơn đến một thỏa thuận."

Tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ tư nhân nhằm mục tiêu xóa nợ 100 tỷ euro (128 tỷ USD) cho Athens theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) mới đây, và tiến tới giảm dần khoản nợ hiện lên đến 350 tỷ euro của Hy Lạp.

Đối với "Xứ sở thần thoại," thỏa thuận về giảm nợ sẽ mở đường để Athens được giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công vào cuối tháng 3 tới, thời điểm Athens phải thanh toán 14,5 tỷ euro (18,5 tỷ USD) nợ trái phiếu đáo hạn. Đây cũng là điều kiện để EU và IMF thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Chưa kể, ông  Papademos từng tuyên bố chỉ tổ chức tổng tuyển cử (dự kiến trong tháng 4 tới) để thành lập chính phủ mới thay chính phủ tạm quyền hiện nay nếu Hy Lạp đạt được thỏa thuận về giảm nợ và được thông qua gói cứu trợ thứ hai.

Thỏa thuận về giảm nợ cho Hy Lạp còn là yếu tố có thể giúp xì hơi "quả bóng" nợ công đang có nguy cơ làm tan vỡ khu vực đồng tiền chung châu Âu và đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái mới.

Tuần trước, các cuộc đàm phán về giảm nợ cho Hy Lạp đã rơi vào bế tắc do bất đồng về lãi suất trái phiếu mới, sẽ được phát hành để hoán đổi nợ; và hạn mức thiệt hại mà các ngân hàng tư nhân phải gánh chịu khi mua trái phiếu chính phủ của Hy Lạp. Theo một nguồn tin ngân hàng từ Paris (Pháp), Cơ quan điều phối khu vực ngân hàng (ACP) yêu cầu các ngân hàng tư nhân phải chịu tỷ lệ 68%, chứ không phải 60% như hiện nay.

Cùng ngày, hàng nghìn cảnh sát, lính cứu hỏa, giáo viên và viên chức nhà nước ở Tây Ban Nha đã tổ chức tuần hành tại thành phố Barcelona của nước này để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính quyền vùng Catalonia.

Những người tuần hành đi từ trung tâm thành phố đến trụ sở cơ quan lập pháp vùng Catalonia, nơi các dân biểu khu vực đang thảo luận ngân sách năm 2012. Họ mang theo biểu ngữ đòi không cắt giảm chi tiêu công và duy trì các dịch vụ công. Trước đó, khoảng 50 lính cứu hỏa dùng bình xịt chữa cháy phong tỏa tuyến phố trước trụ sở Cơ quan Nội vụ vùng. Giới chức địa phương cho biết khoảng 10.000 tham gia cuộc tuần hành, song các tổ chức công đoàn đưa ra con số 30.000 người.

Giống như các vùng khác ở Tây Ban Nha, Catalonia đang chịu sức ép phải giúp chính phủ trung ương cắt giảm thâm hụt ngân sách nhà nước nhằm thoát khỏi "cơn ác mộng" vỡ nợ công. Vùng Catalonia đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách của 17 chính quyền khu vực xuống 1,3% GDP vào cuối năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục