WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latinh

WB cho biết tăng trưởng kinh tế trong năm nay của khu vực Mỹ Latinh sẽ chỉ đạt 3%, thấp hơn so với mức dự báo trước đó là từ 3,5-4%.
Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đà phục hồi chậm chạp sau "bão" tài chính của các nước phát triển trong khi cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu vẫn tiếp tục hoành hành, năm nay, nền kinh tế các nước Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng thấp hơn dự báo.

Báo cáo định kỳ sáu tháng/lần ra ngày 3/10 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tăng trưởng kinh tế trong năm nay của khu vực Mỹ Latinh sẽ chỉ đạt 3%, thấp hơn so với dự báo trước đó là từ 3,5-4%.

Trong báo cáo, Giám đốc kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe của WB cho biết năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể nhỉnh hơn một chút, từ 3,8-4%.

WB cho rằng kinh tế Trung Quốc suy giảm cũng là nhân tố tác động xấu tới kinh tế khu vực Mỹ Latinh, vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Nền kinh tế châu Á lớn thứ hai thế giới này hiện là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của khu vực. Theo WB, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1999, khi tỷ lệ tăng trưởng chỉ đạt 8% (dự kiến năm 2012).

Ngoài ra, một số chuyên gia tin rằng sự sụt giảm kinh tế của Trung Quốc mang tính chu kỳ và đây là hệ quả của việc nhu cầu toàn cầu sụt giảm đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này, đặc biệt là từ châu Âu, trong khi chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt.

Cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, theo đó đẩy mạnh tiêu dùng nội địa thay vì dựa vào tăng trưởng xuất khẩu như trong những thập kỷ qua.

Nhưng với lý do nào thì các nhà kinh tế của WB đều kết luận sự sụt giảm kinh tế kéo dài của Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của các nền kinh tế Mỹ Latinh như Brazil và Argentina.

Báo cáo của WB cũng nêu bật những điểm mạnh của nền kinh tế các nước Mỹ Latinh, đó là tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 6,5% trong năm 2011 - một mức thấp lịch sử; cách biệt giàu nghèo được thu hẹp trong một thập kỷ gần đây bất chấp sự suy giảm của kinh tế toàn cầu.

Hệ số Gini phản ánh sự bất bình đẳng về thu nhập đã giảm tại 12/15 nước trong khu vực trong giai đoạn từ năm 2000-2010./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục