Đắk Lắk xóa bỏ nạn "chảy máu cồng chiêng"

Đắk Lắk đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng "chảy máu cồng chiêng", nhờ triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, phát triển thể lại văn hóa này.
Tỉnh Đắk Lắk đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng "chảy máu cồng chiêng", sau khi thực hiện hàng loạt biện pháp tích cực nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng - kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.

Đắk Lắk hiện có 3.375 bộ chiêng đủ, trong đó đồng bào dân tộc Êđê có 2.680 bộ, đồng bào dân tộc M’nông có 627 bộ và Giarai có 68 bộ. Các bộ cồng chiêng được lưu giữ tập trung nhiều nhất ở các huyện Krông Ana, Lắk, Cư M’Gar, Buôn Đôn. Nhiều bộ quý hiếm đã được các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số bản địa giữ gìn hàng trăm năm nay.

Để tạo môi trường thuận lợi cho việc bảo tồn và phát triển không gian văn hóa công chiêng, tỉnh Đắk Lắk đã sớm có chính sách đối với những gia đình, những người gìn giữ cồng chiêng, chỉnh chiêng, đồng thời khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc.

Đắk Lắk đã tập trung điều tra, khảo sát số lượng cồng chiêng, tên chiêng, độ tuổi, chủ nhân từng bộ chiêng, tổ chức tập hợp, mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, truyền đạt kỹ năng chỉnh chiêng, chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc.

Các nghệ nhân dân tộc Êđê, M’nông được hỗ trợ kinh phí để truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng cho con em đồng bào dân tộc. Đến nay toàn tỉnh đã có trên 700 đội cồng chiêng ở các buôn làng, trong đó có 200 đội cồng chiêng thanh, thiếu niên.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng mua cấp 150 bộ cồng chiêng cho 150 nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn thuộc vùng sâu, vùng xa và dự kiến đến năm 2010, toàn bộ 576 nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng trên địa bàn sẽ đều có một bộ cồng chiêng.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Đắk Lắk là địa phương thực hiện tốt và sớm nhất việc bảo tồn, phát huy văn hoá cồng chiêng so với các địa phương khác trong cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục