Chứng khoán châu Á-TBD ở mức thấp trong 4 tháng

Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và lo ngại bùng phát dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc cũng chi phối tâm lý nhà đầu tư.
Trong phiên giao dịch ngày 8/4, báo cáo việc làm không được như kỳ vọng của Mỹ đã làm tăng thêm sức ép bán ra trên các thị trường châu Á, trong khi những căng thẳng đang tiếp tục trên bán đảo Triều Tiên và lo ngại bùng phát dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc cũng chi phối tâm lý nhà đầu tư.

Riêng chứng khoán Nhật Bản tiếp tục đà tăng sau khi thông báo về các biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) vào cuối tuần trước đã đẩy đồng yen xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,5%, xuống mức thấp trong 4 tháng. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 8,85 điểm, hay 0,04%, xuống 21.718,05 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 8,54 điểm, hay 0,44%, xuống 1.918,69 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 13,7 điểm, hay 0,62%, xuống 2.211,59 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 189,56 điểm, hay 2,39%, xuống 7.752,79 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 358,95 điểm, hay 2,8%, lên 13.192,59 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng 14,1 điểm, hay 0,29%, lên 4.905,5 điểm.

Tuần trước, thông báo của BoJ về các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới đã khiến đồng yen mất giá khoảng 6% so với đồng USD, tạo đà đi lên cho chứng khoán Nhật Bản, trong đó các nhà xuất khẩu đã thắng lớn, với giá cổ phiếu của Suzuki Motor Corp. tăng 6,6%, của Sharp Corp. tăng 5,4%.

Tại cuộc họp đầu tiên dưới thời Thống đốc Haruhiko Kuroda, BoJ quyết định tăng gấp đôi nguồn cung tiền và mở rộng đáng kể chương trình mua tài sản nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% trong vòng hai năm. BoJ đã tiến hành đợt mua trái phiếu chính phủ đầu tiên trong ngày 8/4 sau khi thông báo sẽ mua khoảng 1.000 tỷ yen (10,3 tỷ USD) trái phiếu đáo hạn trong 5-10 năm và 200 tỷ yen trái phiếu đáo hạn trên 10 năm.

Trong khi đó, vai trò dẫn dắt các thị trường của phố Wall yếu đi sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy kinh tế nước này chỉ tạo được 88.000 việc làm trong tháng 3, bằng một phần ba con số của tháng 2 và là mức thấp nhất trong 9 tháng. Báo cáo này là một sự thất vọng đối với các nhà đầu tư vốn đang lạc quan hơn về kinh tế Mỹ sau khi có những dấu hiệu tích cực về thị trường nhà ở.

Báo cáo đã làm tăng lo ngại tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại và nhu cầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này yếu đi. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy các vị trí tạm thời và giờ làm tăng, báo hiệu việc các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh thuê nhân công trở lại trong nửa cuối năm. Cuối tuần trước, chỉ số Dow Jones giảm 0,28%, chỉ số S&P 500 giảm 0,43%, còn chỉ số Nasdaq giảm 0,65%.

Các nhà giao dịch Trung Quốc đang theo dõi diễn biến của dịch cúm gia cầm mới, khi 21 người đã bị nhiễm cúm, trong đó 6 người đã tử vong. Tại thị trường chứng khoán Thượng Hải, cổ phiếu liên quan đến du lịch bị mất giá nhiều nhất, với cổ phiếu của Air China giảm 2,63%, còn của China Southern Airlines giảm 1,98%.

Còn tại bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc nhận định Triều Tiên sẽ chuẩn bị thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa trong tuần này, điều sẽ làm tăng thêm căng thẳng giữa hai miền. Triều Tiên đã đe dọa về các hành động quân sự để trừng phạt Hàn Quốc và Mỹ vì đã tổ chức các cuộc tập trận chung./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục