Các địa phương đã thực hiện nghiêm Pháp lệnh Giá

Hầu hết các địa phương thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Giá và các văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, kê khai giá.
Ngày 4/4, Bộ Tài chính đã cho biết kết quả thanh tra công tác quản lý giá tại 3 tỉnh, thành phố và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá trên địa bàn tại 20 tỉnh, thành phố trong năm 2010 và 2011.

Kết quả cho thấy, hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá theo quy định; xây dựng và ban hành các định mức, đơn giá theo thẩm quyền để áp dụng thống nhất trên địa bàn.

Có 19/23 địa phương gồm Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá trên địa bàn, triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo trong việc thực hiện bình ổn giá cả thị trường, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

Tuy nhiên, các địa phương còn một số tồn tại trong công tác quản lý giá như từ ngày 1/10/2010 trở về trước, còn nhiều địa phương chưa triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký giá, tiến hành đăng ký giá, kê khai giá và gửi hồ sơ đăng ký giá về Sở Tài chính theo quy định tại Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính.

Nguyên nhân do các địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với lĩnh vực này; chưa triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký, kê khai giá, thực hiện việc đăng ký giá và gửi hồ sơ đăng ký giá về Sở Tài chính theo quy định (tỉnh Đăk Nông); có 2/23 địa phương (Hà Nội và Long An), ban hành văn bản hướng dẫn về đăng ký, kê khai giá chưa đầy đủ.

Đối với việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá, năm 2010, tất cả 23 tỉnh, thành phố được thanh tra và gửi báo cáo đều triển khai, thực hiện công tác bình ổn giá trên địa bàn theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện tại từng địa phương còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, các địa phương chưa ban hành quy chế, chưa tổng kết, đánh giá hiệu quả việc tạm ứng ngân sách thực hiện bình ổn giá trên địa bàn.

Việc giao đất tại thành phố Hà Nội vào thời điểm 31/12/2010, có 49 dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới (do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định), đã phê duyệt đơn giá và tổng số tiền sử dụng đất của các dự án phải nộp trước khi giao đất, bàn giao đất cho các nhà đầu tư; không đúng trình tự, thủ tục quy định và chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP.

Việc giao đất không đúng trình tự quy định dẫn đến xác định tiền sử dụng đất các dự án phải nộp không phù hợp; Cơ quan Thuế không đủ căn cứ để thu tiền sử dụng đất, các chủ dự án chậm nộp tiền sử dụng đất.

Kết quả thanh tra công tác quản lý giá tại 3 địa phương (Hà Nội, Long An, Bình Định) cho thấy, năm 2010 cả 3 địa phương đã thực hiện ban hành Bảng giá các loại đất hàng năm, nhưng chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư Liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC; bảng giá các loại đất còn nhiều bất cập.

Tại Hà Nội, bảng giá các loại đất tại 13 tuyến đường ở 4 quận do UBND thành phố phê duyệt nhưng không có phiếu điều tra giá đất trên thị trường (toàn bộ loại đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không có phiếu điều tra; đất ở tại một số tuyến đường không có phiếu điều tra hoặc chỉ có phiếu điều tra tại một số vị trí đất).

Hầu hết giá đất trên các phiếu điều tra (giá thị trường) đều cao hơn giá đất trên bảng giá đất do Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành từ 25% trở lên.

Việc thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách Nhà nước tại các dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập.

Tỉnh Đăk Nông có 4/5 dự án được thanh tra, địa phương áp dụng giá đất được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005 và cộng thêm 30% trượt giá, chưa sát với giá thị trường theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và Nghị định số 120/2010/NĐ-CP; có 1/5 dự án, thẩm định, xác định giá đất không nhất quán, sử dụng giá đất chỉ bằng 60% đến 70% giá đất thị trường...

Bộ Tài chính đã có kiến nghị đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, cần tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn; khẩn trương ban hành quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn theo đúng quy định tại Nghị định số 170/2003/NÐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Giá; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong việc triển khai, thực hiện quy định của pháp luật về giá và ưu đãi đầu tư trên địa bàn.

Các địa phương cũng cần rà soát, bổ sung danh mục tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước thực hiện bình ổn giá trên địa bàn, phải thực hiện đăng ký giá, kê khai giá và gửi hồ sơ về Sở Tài chính theo quy định; nghiên cứu, xây dựng quy chế ứng vốn ngân sách mua hàng tạm trữ thực hiện bình ổn giá để áp dụng thống nhất; đôn đốc, kiểm tra đánh giá hiệu quả việc tạm ứng ngân sách mua hàng tạm trữ để thực hiện bình ổn giá và thu hồi tạm ứng đúng thời gian quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh ban hành Bảng giá các loại đất trên địa bàn hàng năm; chấn chỉnh việc thẩm định giá đất và xác định tiền sử dụng đất các chủ dự án phải nộp NSNN tại các dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Các tỉnh, thành cần thực hiện xác định giá đất và tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước của các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC, nghiên cứu, ban hành giá rừng và giá cho thuê rừng để làm căn cứ xác định tiền thuê rừng các đơn vị phải nộp ngân sách nhà nước./.

Thùy Dương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục