IMF: Hai thách thức bức xúc nhất của kinh tế Mỹ

IMF đã nêu bật hai thách thức của nền kinh tế Mỹ là nâng trần nợ và bắt đầu tiến trình khó khăn giảm thâm hụt ngân sách và nợ.
Ngày 29/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nêu bật hai thách thức bức xúc nhất hiện nay của nền kinh tế Mỹ là nâng trần nợ và bắt đầu tiến trình khó khăn giảm thâm hụt ngân sách và nợ .

Tạp chí trực tuyến iMFdirect của IMF nhấn mạnh, hai thách thức này đặt Mỹ trước hai lựa chọn không mong muốn và khó khăn đối với chính sách tài chính. Tỷ lệ tiết kiệm bao nhiêu và tiết kiệm dưới hình thức nào đều là những vấn đề sống còn của nền kinh tế Mỹ trong thời điểm hiện nay.

Vào cuối năm nay, nợ liên bang sẽ chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ, tăng gấp đôi so với mức 36% của năm 2007. Thâm hụt tài chính liên bang sẽ lên tới 9,3% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Cả hai khoản nợ này đều báo động sự không bền vững của nền kinh tế Mỹ.

IMF cảnh báo, nếu Chính phủ Mỹ không hành động nhanh chóng, nợ sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn tăng trưởng của nền kinh tế.

Các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đã cảnh báo sẽ giảm uy tín tín dụng của Mỹ trong khi cả hệ thống chính trị Mỹ đang chật vật tìm giải pháp nâng trần nợ để tránh cho nước Mỹ nguy cơ vỡ nợ.

IMF khuyến cáo rằng, giảm chi tiêu quá nhiều trong ngắn hạn sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ hiện đang phục hồi chậm chạp và mất động lực.

Trong sáu tháng đầu năm 2011, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trung bình chưa đầy 2%, không đủ để giảm tỷ lệ thất nghiệp quá cao hiện nay. Tỉ lệ thất nghiệp cao kéo dài có thể đe dọa triển vọng dài hạn của nền kinh tế.

Thử nghiệm để nền kinh tế Mỹ mất tín nhiệm về tài chính là một kịch bản quá nguy hiểm nên ưu tiên cao nhất hiện nay phải là đạt được thỏa thuận chính trị về kế hoạch điều chỉnh toàn diện với quy mô thích hợp bắt đầu bằng quá trình củng cố tài chính trong năm tài chính 2012.

IMF cho rằng, đặt nợ công vào tiến trình bền vững, bao gồm ổn định tỷ lệ nợ trên quy mô nền kinh tế vào giữa thập kỷ này để giảm dần nợ, đòi hỏi Mỹ phải thúc đẩy kế hoạch điều chỉnh trong đó quy mô và phạm vi điều chỉnh phụ thuộc vào biến biến số then chốt là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và mức độ lãi suất trong những năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục