Mỹ thiết lập các quy định hạn chế khí thải độc hại

Chính quyền Tổng thống Mỹ đã công bố các quy định với các nhà máy điện mới trên toàn quốc nhằm hạn chế lượng khí độc hại ra môi trường.
Sau hơn 6 tháng trì hoãn gây lo lắng cho các nhà hoạt động về môi trường, ngày 27/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố các quy định đối với các nhà máy điện mới trên toàn quốc nhằm hạn chế lượng khí độc hại thải ra môi trường, nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng biến đổi khí hậu của Trái Đất.

Việc ban hành các quy định mới này là bước đi tiếp theo của Nhà Trắng trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải độc hại tại quốc gia được coi là nguồn gốc lớn thứ hai gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Các quy định mới ban hành trong năm bầu cử được dự báo sẽ gây tranh cãi gay gắt giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ với phe Cộng hòa tại Quốc hội.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho biết quy định mới trước mắt chỉ áp dụng cho các nhà máy điện sử dụng than đã được cấp giấy phép và sẽ được xây dựng. Theo đó, các nhà máy này sẽ không được phép thải quá 454 kg (tương đương 1000 pound) khí điôxít cácbon (CO2) mỗi megawatt điện/giờ. Đối với các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên, mỗi megawatt điện/giờ không được thải quá 360 kg khí CO2.

Trong khi đó, hệ thống các nhà máy nhiệt điện cũ và đang sử dụng tạm thời chưa phải áp dụng quy định này, song được khuyến khích tìm kiếm công nghệ mới để hạn chế khí thải CO2. Ngoài ra, quy định mới cũng kêu gọi tăng cường xây dựng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên, vừa rẻ tiền, vừa ít khí thải độc hại hơn các nhà máy sử dụng than.

Phát biểu trước báo giới, Giám đốc EPA Lisa Jackson cho biết các quy định vừa ban hành tuy chưa phải là giải pháp toàn diện, nhưng là một bước đi quan trọng trong việc xử lý một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính và hướng đến nền năng lượng sạch. Tuy nhiên, theo bà Jackson, thời hạn chót cho các nhà máy điện phải đáp ứng quy định mới là 30 năm chứ không phải ngay lập tức.

Việc thiết lập quy định mới đối với lượng khí cácbon thải ra từ các nhà máy điện đã vấp phải những phản ứng trái chiều trong dư luận Mỹ. Các nhóm hoạt động về môi trường hoan nghênh việc ban hành quy định mới, cho dù chưa được áp dụng đối với các nhà máy nhiệt điện hiện có. Ngược lại, các công ty khai khoáng lập tức lên tiếng than phiền và cho rằng quy định mới là một kế hoạchu muốn đẩy than ra khỏi ngành công nghiệp sản xuất điện.

Nguồn điện sử dụng than hiện chiếm gần một nửa lượng điện sản xuất hàng năm ở Mỹ và lượng khí CO2 chiếm xấp xỉ 40% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kinh tại Mỹ hồi năm 2010. Trong khi đó, sản lượng điện từ các nhà máy sử dụng khí thiên nhiên chiếm 25% tổng sản lượng điện, song lượng khí CO2 thải ra chỉ chiếm 7%. Tháng 7/2011, Chính quyền Mỹ đã công bố các quy định buộc các nhà sản xuất đến năm 2025 phải nghiên cứu chế tạo các loại xe du lịch và xe tải chạy 87,2 km chỉ hết 1 galon xăng dầu (tương đương 3,8 lít) và chỉ thải ra 163 gam khí thải CO2 trên 1,6 km.

Trung Quốc hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm 23,4% lượng khí CO2 của toàn cầu. Các nước có lượng khí CO2 lớn tiếp theo là Mỹ: 18,2%, Liên minh châu Âu: 14,1%, Ấn Độ: 5,78, Nga: 5,67% và Nhật Bản với 4,1%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục