Vấy bẩn báo chính thống?

Báo lá cải đang làm vấy bẩn báo chí chính thống?

Báo lá cải đã làm các tờ báo chính thống bị "nhiễm độc" với những giá trị khác nhau khi các tờ báo này có cùng chung chủ sở hữu.
Từ rất lâu trước khi vụ bê bối nghe lén điện thoại dẫn tới việc tờ News of the World đóng cửa tuần trước bị phát giác, các nhà báo từ tờ The Times, The Sunday Times ở Anh, Wall Street Journal ở Mỹ và mục tiêu một thời của trùm truyền thông Rupert Murdoch, Financial Times, đã nghi ngờ về ảnh hưởng tiêu cực của ông với báo giới.

Ở Anh, Murdoch có một biệt danh mà ông không muốn: “kẻ đào bới bẩn thỉu.” Mối quan ngại đặt ra là liệu nhà tài phiệt sinh ở Australia có phải là chủ nhân “phù hợp và đúng đắn” cho những tờ báo chất lượng và liệu một đế chế truyền thông vừa có thể cùng lúc sở hữu các tờ báo đứng đắn, những kênh truyền hình nghiêm túc, một nhà xuất bản đạo mạo, lẫn hàng loạt các tờ báo lá cải tràn ngập tin giật gân.

Sự lo lắng đã lan từ Anh sang Mỹ, nơi ba nghị sĩ yêu cầu điều tra News Corp, tập đoàn của Murdoch, vì vi phạm luật Mỹ cấm đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài.

“Mọi người lo lắng về Rupert Murdoch ngay từ ban đầu vì những tờ báo của ông ấy nhấn mạnh vào bê bối và tin giật gân thay vì các chủ đề nghiêm túc,” Steve Barnett, giáo sư về truyền thông ở Đại học Westminster, Anh, nói với Reuters.

[FBI bắt đầu điều tra tập đoàn của "trùm" Murdoch]

“Tôi cho rằng hàng loạt những vụ bê bối mới gần đây đặt ra câu hỏi pháp lý ở Mỹ về việc liệu có tồn tại một nền văn hóa kinh doanh dễ chấp nhận hơn việc phá rào luật pháp,” ông cho biết thêm.

Về mặt tài chính, sở hữu cả những tờ báo nghiêm túc và lá cải là điều hợp lý, ngay cả khi báo chí chỉ chiếm 19% trong doanh thu 32,8 tỷ USD của News Corp năm 2010. Ở Anh, các tờ báo với siêu mẫu ngực trần của Murdoch đã giúp tài trợ cho tờ The Times, hiện số phát hành mỗi ngày đã giảm còn nửa triệu bản, kém xa mức đỉnh điểm 750.000 bản năm 2001 và trên thực tế đang thua lỗ.

Tuy nhiên, báo lá cải đã làm The Times nhiễm độc với những giá trị khác nhau khi các tờ báo có cùng chủ sở hữu.

Những nhà báo ở The Times và Sunday Times đã lo lắng về điều đó trước khi Murdoch, hiện 80 tuổi, mua lại họ. Năm 1981, khi Murdoch thực hiện thương vụ này, chính quyền của thủ tướng Margaret Thatcher đã buộc News Corp cam kết chỉ định những giám đốc độc lập cho các tờ báo, có quyền phủ quyết việc bổ nhiệm hay sa thải một biên tập viên. Nhưng chỉ một năm sau vụ thôn tính, Murdoch đã khiến Sir Harold Evans, biên tập viên kỳ cực của tờ báo, phải từ chức.

Năm 1988, khi Murdoch bắt đầu mua cổ phần của Financial Times, các chính trị gia ở cả hai phe tả và hữu đều lên tiếng cảnh báo, cáo buộc ông đang làm suy giảm những tiêu chuẩn của báo in.

Lord Deedes, một bộ trưởng quá cố và cựu biên tập tờ Daily Telegraph, từng nói trước Quốc hội Anh rằng báo chí trong nước “đang ở trong tình trạng tồi tệ, tồi tệ nhất mà tôi từng biết trong nửa thế kỷ làm báo.”

Thậm chí trong nội bộ The Times một thập kỷ qua, nhiều phóng viên cũng cảm thấy tờ báo đang từ bỏ việc đưa những tin chính trị nghiêm túc từng giúp tạo dựng uy tín của họ trong quá khứ.

Dưới thời Robert Thomson, biên tập chính giai đoạn 2002-2007 và hiện là thư ký tòa soạn của Wall Street Journal và tổng biên tập Dow Jones, những người cũ than phiền về việc “nữ tính hóa” tờ báo và lúc nào cũng phải đi giải thích cho những câu chuyện họ đăng tải.

Ở bên kia Đại Tây Dương, trên đất Mỹ, Murdoch từng gặp phải sự chống đối tương tự khi ông tìm cách mua lại Dow Jones và Wall Street Journal năm 2007. Gia đình Bancroft, chủ nhân của Dow Jones khi đó, đã yêu cầu các cổ đông lớn bỏ phiếu phản đối vụ thôn tính, trên cơ sở Murdoch, chủ nhân của kênh truyền hình công khai ủng hộ phe Cộng hòa Fox News và tờ báo lá cải New York Post, sẽ làm ảnh hưởng đến tính độc lập và nghiêm túc của Dow Jones.

Lại một lần nữa, Murdoch hứa thành lập ban điều hành độc lập cho tờ báo, có quyền bổ nhiệm và sa thải các biên tập viên chính. Tuy nhiên, cũng như với The Times, ngay sau cuộc thôn tính, ông bổ nhiệm Robert Thomson làm người phụ trách xuất bản tờ Journal, một vị trí cao hơn ba biên tập viên được bảo vệ bởi thỏa thuận trước vụ mua lại. Không đầy năm tháng sau, thư ký tòa soạn Marcus Brauchli từ chức và được thay bằng Thomson./.

H. Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục