Vẽ về thảm họa Nhật

Họa sỹ truyện tranh Nhật trở lại giá vẽ sau thảm họa

Một năm sau thảm họa kép ở Nhật Bản, Jiro Taniguchi quay lại giá vẽ để vẽ các cuốn truyện mới về nỗ lực vượt lên khó khăn của người Nhật.
Khung cảnh tàn phá sau thảm họa động đất sóng thần hồi năm ngoái đã khiến họa sỹ truyện tranh Jiro Taniguchi băn khoăn không biết ông sáng tác để phục vụ cho mục đích gì.

Người họa sỹ già đã 64 tuổi, đang ngồi trong phòng làm việc vào ngày 11/3, khi Nhật Bản thay đổi vĩnh viễn bởi trận động đất sóng thần khủng khiếp.

Giống nhiều người Nhật, ông choáng váng trước hình ảnh tàn phá được đài truyền hình phát đi trong những ngày và những tuần sau thảm họa. Trận đại hồng thủy đã cướp đi mạng sống của hơn 19.000 người và gây ra thảm họa rò rỉ phóng xạ ở Fukushima.

"Tôi lập tức tự hỏi mình phải làm gì trong thời điểm nghiệt ngã này. Tôi nghĩ tới chuyện bỏ nghề, không hề nghĩ rằng truyện tranh vẫn còn có giá trị" - ông kể với AFP khi đang ngồi ở studio riêng tại Tokyo - "Tôi có một số tập truyện được đặt hàng khi đó nên vẫn làm việc, nhưng trong nhiều tháng, tôi băn khoăn không biết mình phải làm gì."

Lối vẽ giàu chi tiết của Taniguchi đã khiến tác phẩm của ông khác biệt hẳn so với những cuốn truyện tranh phương Tây. Mỗi trang truyện đều được ông vẽ thủ công cẩn thận và ông từ chối dùng máy móc, công nghệ để khiến công việc nhẹ nhàng hơn.

"Tôi không dùng máy tính vì tôi chẳng biết dùng nó. Tôi không có kỹ năng dùng máy tính" - Taniguchi nói và cho biết ông vẫn phải dựa vào giấy, bút chì và một con dao gọt bút chì để tạo nên các bức tranh vẽ của mình.

Chủ đề trong truyện của ông cũng khác với các nội dung thường gặp trong truyện tranh nhật bản, như tình yêu tại trường học hay thậm chí là truyện khiêu dâm bạo lực.

Trong tác phẩm mang tên "Arukuhito", tựa tiếng Anh là "Người đi bộ," ông vẽ lại những thứ mình tìm thấy, những cảnh đã được chứng kiến và những con người ông gặp khi đi bộ tới vùng nông thôn gần đó.

Truyện của Taniguchi, với những khung cảnh được vẽ rất tỉ mẩn và các nhân vật hoạt họa đẹp mắt, đã được so sánh với một số kiệt tác truyện tranh của châu Âu như Tintin.

Truyện của ông thu hút nhiều người hâm mộ tại Pháp, nơi ông đã được mời tới một hội chợ văn chương ở Paris.

"Tôi không biết vì sao mình lại nổi tiếng ngoài Nhật Bản tới vậy. Có lẽ vì các tác phẩm của tôi có điểm gì đó giống truyện tranh phương Tây, thứ tôi đã nghiên cứu suốt 30 năm qua và có những ảnh hưởng nhất định tới bản thân" - ông nói - "Tôi rất ngạc nhiên khi gặp những đứa trẻ phương Tây đọc truyện của mình... Trẻ em Nhật không đọc truyện của tôi."

Một năm sau thảm họa, Taniguchi đã trở lại làm việc để vẽ các cuốn truyện mới với chủ đề nói về nỗ lực chống chọi thảm kịch của các đồng hương.

"Khi nhìn thấy những hình ảnh trên TV, tôi bị những cơn ác mộng ám ảnh và không thể làm việc. Tôi băn khoăn chẳng biết nó có thực hay không" - ông nói - "Nhưng thảm họa rò rỉ phóng xạ và các sự kiện theo sau đã giúp tôi nhận ra rất nhiều về cách người Nhật hành xử trong thời khó khăn."

Chính thức quyết tâm làm lại đó đã truyền cảm hứng để Taniguchi tiếp tục lao động.

"Tôi muốn cám ơn các độc giả của mình, muốn cám ơn tiếng nói của những người sống sót, đã khiến tôi nhận ra rằng họ vẫn muốn được đọc tác phẩm do tôi tạo nên" - ông thổ lộ./.

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục