Vắcxin cúm A/H1N1 có thể được sử dụng từ tháng 9

Theo Tổ chức Y tế Thế giới,  lô vắcxin phòng cúm A/H1N1 đầu tiên có thể sẽ được cấp phép đưa vào sử dụng từ tháng 9 tới tại một số nước.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),  lô vắcxin phòng cúm A/H1N1 đầu tiên có thể sẽ được cấp phép đưa vào sử dụng từ tháng 9 tới tại một số nước.

Theo Giám đốc cơ quan nghiên cứu vắcxin của WHO, Marie Paule Kieny, nhiều công ty dược phẩm đã sẵn sàng sản xuất vắcxin để đối phó dịch bệnh. Quan chức này cũng cho biết các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành và những kết quả thử nghiệm đầu tiên có thể biết vào đầu tháng tới.

Trên cơ sở những kết quả trên, WHO sẽ xem xét cho phép đưa vào sử dụng loại vắcxin này. Tuy nhiên WHO lưu ý, mặc dù nhu cầu vắcxin đang rất cấp thiết và việc thử nghiệm chưa được tiến hành lâu dài và rộng rãi, WHO vẫn đề cao tính an toàn và chất lượng của vắcxin, đồng thời khuyến cáo các nước tiếp tục thử nghiệm khi vắcxin bắt đầu được sử dụng.

Theo thống kê của WHO, tính đến cuối tuần qua, số bệnh nhân cúm trên toàn thế giới là 162.230 người và số trường hợp tử vong đã lên tới 1.154 người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chắc chắn thấp hơn thực tế.

Các chuyên gia của WHO đang lo ngại dịch cúm sẽ tiếp tục hoành hành vào mùa Thu ở Bắc bán cầu và dự đoán có thể có tới 1/3 dân số thế giới, tức là khoảng 2 tỉ người, bị ảnh hưởng của cúm.

Trong khi đó, ngày 6/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết xét nghiệm nhanh không phát hiện hết các trường hợp nhiễm cúm A/H1N1.

Theo CDC, các xét nghiệm nhanh có tác dụng phát hiện ra bệnh cúm theo mùa tốt hơn xác định cúm A/H1N1. Khả năng phát hiện cúm A/H1N1 khi xét nghiệm nhanh chỉ từ 40-69%.

Phóng viên TTXVN tại New York cho biết các nhà khoa học của CDC đã thử nghiệm 3 loại xét nghiệm nhanh hiện có trên thị trường, các xét nghiệm này có thể phát hiện được kháng nguyên cúm tuýp A và B trong vòng 15 phút. Các mẫu dùng để xét nghiệm được lấy từ 65 bệnh nhân đã được xác định là nhiễm cúm mùa hoặc cúm A/H1N1. Kết quả cho thấy các xét nghiệm nhanh chỉ phát hiện ra cúm A/H1N1 khi mức độ virus trong mẫu cao. Theo CDC, điều này có nghĩa là nhiều trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 không phát hiện được.

CDC cũng cho biết thêm, kết quả xét nghiệm nhanh âm tính không có nghĩa là không nhiễm cúm, còn nếu kết quả là dương tính thì cũng chỉ xác định là nhiễm cúm, chứ chưa thể biết nhiễm loại cúm nào.

Ông Michael Shaw, Phó Giám đốc phòng thí nghiệm bộ phận nghiên cứu bệnh cúm của CDC nói: "Xét nghiệm nhanh đôi khi cho kết quả không chính xác", do vậy "các bác sỹ không nên chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm nhanh. Không có gì có thể thay cho việc đánh giá lâm sàng"./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục